Bẫy hạnh phúc

Cô biết “cái bẫy” mà Pi tưởng là hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra cái bẫy hạnh phúc của chính mình…

Bẫy hạnh phúc

Chuyện “bí mật” của Linh không giấu được Duy lâu. Buổi trưa Duy về ăn cơm, nhặt được mấy sợi lông chó trên ghế salon, thế là gầm lên: “Em để con chó vào nhà phải không? Anh đã nói gì hả?”. Linh xanh mặt không dám lên phòng khách, Duy xuống tận bếp, nghiến răng “Em chỉ trông nhà mà làm cũng không xong. Chó thì ở chuồng, sao lại cho nó leo lên ghế của anh ngồi? Thật là quá thể!”.

Duy càng nói, Linh càng ngơ ngác. Chỉ có cái lông chó mà Duy giận dữ đến thế sao? Duy có ở nhà đâu để biết Linh buồn chán thế nào, chỉ có chú chó là nguồn vui. Đến khi Duy buông một câu như chấm hết cho cơn bực bội ích kỷ của mình “Chiều nay anh đem con chó cho người ta” thì Linh chịu hết nổi, òa lên khóc.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chú chó con một hôm đi lạc vào nhà: nhỏ bé, gầy còm, bộ lông bết lại, vẻ lấm lét, sợ sệt. Đầu tiên là bé Na, con gái Linh, trông thấy. Linh không định cưu mang một thú nuôi nào trong nhà, chỉ định cho nó chút thức ăn, tắm cho nó thật sạch để dễ gây thiện cảm với người chủ nào đó. Cô đã làm mọi thứ thật điềm tĩnh để kìm lại cơn phấn khích của con gái. Bé Na thích chú chó con đến nỗi đã đặt ngay cho nó tên Pi, rồi hăng hái giành nhiệm vụ tắm cho Pi, nói chuyện huyên thuyên với Pi trong nhà tắm.

Được tắm, được ăn, Pi trông xinh xắn, đáng yêu lên hẳn, Linh nhìn cũng thấy ưng mắt. Cô ngầm đồng tình với ánh mắt năn nỉ của con, giữ Pi lại, cũng là để cô có bầu bạn những khi chồng đi làm, con đi học. Ở một mình trong ngôi nhà giữa khu dân cư mới này, cô thấy như mình đang sống biệt lập. Duy, chồng Linh, trưởng phòng tổ chức sự kiện của một công ty truyền thông, vắng nhà như cơm bữa. Bé Na, học sinh trường tiểu học quốc tế, ở bán trú tại trường, về nhà thì cặm cụi làm bài, học thêm. Linh - người vợ nhận tiền sinh hoạt hằng tháng từ chồng, dùng tiền ấy chăm lo cho con, đôi lúc cảm thấy mình như một “trạm trung chuyển” để chồng con tạt về một chút rồi lại đi, thấy đời mình… cơm nguội thật! Nhưng, Linh lại lo vì biết tính chồng: không bao giờ đụng tay vào một con mèo, làm sao biết xúc động trước đôi mắt ướt của chú chó con này.

Quá trưa, Duy đi làm về, phát hiện ngay ra Pi. Linh hấp tấp giải thích. Bé Na kéo áo bố năn nỉ. Duy lừ mắt liếc Pi đang đứng nép trong góc tường. Rõ là Duy không ấn tượng gì với chú chó đã được tắm sạch sẽ. Nhưng, Duy thương con gái. Bé Na rơm rớm nước mắt từ trưa đến chiều thì Duy chịu hết nổi, đồng ý cho con gái giữ Pi lại, nhưng với điều kiện: con chó không được ở trong nhà, mà phải nhốt trong chuồng ở sau vườn. Linh thở phào, vội giục con gái làm theo lời bố.

Từ ngày có Pi, Linh thấy ngôi nhà như tươi tắn dễ thương hơn. Cô thả Pi chạy nhảy tự do trong vườn, để khi cô đi chợ về, chú chó có thể ra mừng. Dù lệnh chồng đã rõ: không được cho chó vào nhà, nhưng lần này Linh “thây kệ”, cho Pi ở trong bếp với mình cả ngày, Duy có ở nhà mấy đâu mà biết. Cứ thế, Linh cảm thấy như cô đang ở trong cuộc phiêu lưu của riêng mình với Pi, phía bên kia là Duy. Một trò chơi ngầm khiến cô trở nên linh hoạt hẳn lên, khiến cô thấy mình đang làm chủ mọi chuyện…

Linh chưa từng qua mặt chồng bao giờ. Từ ngày yêu rồi lấy Duy, cô đã tự từ bỏ nhiều thứ: bỏ học đại học khi biết mình lỡ có thai, vội vã cưới rồi sinh con, bỏ luôn ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch. Duy nói chờ đến khi con đủ lớn thì Linh học lại nghiệp vụ rồi đi làm, nhưng con gái đến gần ba tuổi vẫn còn ốm vặt mãi, mẹ chẳng dám rời một ngày; rồi bé Na bảy tuổi, Linh nghĩ mọi thứ tạm yên, nhưng không phải, chăm một đứa con đi học vẫn vất vả như ngày nào, cô lại thấy mình đã hơi già cho một bắt đầu mới, Duy còn muốn có thêm đứa con trai… Mẹ Linh nói, chẳng ai hạnh phúc như cô, lấy chồng sớm, yên ổn một đời, chẳng phải lo gì! Duy có công việc tốt, thăng tiến, sống mẫu mực, có nhà cửa đàng hoàng cho vợ con, bé Na dễ thương học giỏi, hai bố con quấn quýt, Linh cứ thế mà nghĩ mình đúng là hạnh phúc thật…

Nhưng, có hạnh phúc thật không? Duy nói xong đã bỏ lên phòng khách, còn Linh lặng lẽ nhìn Pi đang nem nép trong góc tường. Cô chợt nhận ra sao mà mình gắn bó với Pi đến thế! Cô cũng đang ở trong khu vườn nhỏ của Duy thôi mà. Khu vườn xanh tươi và đủ thức đủ món khiến Pi lầm tưởng là mình tự do chạy nhảy, nhưng thật ra, chỉ một bước chân vào trong nhà cũng bị cấm đoán. Cô biết “cái bẫy” mà Pi tưởng là hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra cái bẫy hạnh phúc của chính mình…

Hạnh phúc khó nhọc

Dẫu biết rằng yêu anh là chấp nhận hy sinh, là nhớ thương đong đầy năm tháng nhưng vẫn có những lúc em chạnh lòng. 

Hạnh phúc khó nhọc

Mấy chị bạn làm chung cứ nay khoe cái này, mai khoe cái kia. Họ có chồng làm kỹ sư, bác sĩ, giám đốc nên quà tặng toàn những thứ đắt tiền. Ấy vậy mà, có người còn mè nheo chê lên chê xuống, so bì với người nọ, người kia… Những lần thấy các chị như vậy, em lại bỏ ra hành lang đứng một mình. Nước mắt tự dưng cứ chảy. Em nhớ anh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Em nhớ có lần anh bảo yêu lính là phải chấp nhận hy sinh. Người ta yêu nhau thì được đón đưa, chiều chuộng, còn em thì phải nén nỗi nhớ vào lòng. Làm việc thì thôi chứ rảnh rang thì lại nhớ. Nỗi nhớ cứ châm chích trong lòng khiến người ta quên ăn, mất ngủ. Có những khi nhớ anh quá không biết làm sao, em nhắm mắt lại, mường tượng ra gương mặt anh. Này mắt, này mũi, này môi, này hơi thở thật êm và vòng tay thật chặt… Chỉ mơ thôi mà em đã thấy thật ấm áp trong lòng.

Anh yêu, bao giờ thì anh về phép? Ngày tình yêu, người ta tặng nhau hoa hồng, sô-cô-la và những lời chúc ngọt ngào. Người ta đưa nhau đi chơi đây đó và chắc chắn họ sẽ ôm nhau thật chặt và hôn nhau. Còn em, mấy hôm nay, mỗi khi nghĩ về anh, em chỉ mong nhận được một lá thư hay một cuộc gọi. Hạnh phúc với em chỉ chừng ấy thôi mà sao vẫn khó nhọc vô cùng.

Dẫu biết rằng yêu anh là chấp nhận hy sinh, là nhớ thương đong đầy năm tháng nhưng vẫn có những lúc em chạnh lòng. Giá như bạn bè chung quanh giấu bớt đi hạnh phúc, giá như ngoài kia đường phố đừng rợp hoa hồng và dập dìu đôi lứa bên nhau… thì có lẽ em đã không khóc nhiều vì nhớ anh như thế.

Người yêu của lính thì không được yếu lòng. Dẫu đã tự nhắc mình nhiều lần như thế mà sao nước mắt vẫn cứ trôi theo niềm mong đợi. Ngày tình yêu, chỉ ước mong có được một món quà thật giản dị là được ở bên anh. Thế mà, ước muốn ấy đã nhiều năm rồi vẫn chỉ là mơ ước. Anh đừng cười khi biết rằng em đang khóc vì nhớ anh…

Có nên buông tay hạnh phúc vì thị phi?

Người phụ nữ chu đáo, khiêm nhường trước mặt anh và người đàn bà ngoại tình trong lời đồn đại mơ hồ của thiên hạ, đâu mới là vợ anh?

Có nên buông tay hạnh phúc vì thị phi?

Bảy giờ tối, anh rồ ga lao lên dốc, loạng choạng vào nhà. “Mẹ đâu?”. “Dạ… mẹ chưa về”, con bé lớn ấp úng khi nhìn thấy gương mặt đỏ bừng của anh.

Anh rút điện thoại, bấm. Tiếng chị vang lên lẫn trong tiếng nhạc xập xình. Chị cố hét to để át bớt tiếng ồn nhưng anh chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Anh a lô mấy lần, rồi bực tức ném cái điện thoại vào góc nhà, vỡ tan tành. Chỉ kịp nghe con bé lớn á lên một tiếng, anh xông vào, hất tung chiếc bàn ăn, mâm cơm tung tóe, cái lồng bàn lăn long lóc. Con bé nhỏ chạy ra, ôm anh khóc nức nở. Nhưng nó không níu được chân anh. Anh kéo xềnh xệch nó lại tủ chén bát, định đập vỡ mọi thứ. Con bé lớn hét lên: “Ba!”. Anh nhìn gương mặt thất thần của con rồi như sực tỉnh, cúi xuống gỡ bàn tay nhỏ xíu đang ôm lấy chân mình, buồn bã bỏ vào phòng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nằm một mình trong phòng, những cảnh báo của đám bạn nhậu lại ong ong trong đầu, anh chỉ muốn lao thẳng lên cơ quan chị để bắt quả tang đôi “gian phu dâm phụ”. Chuyện vợ ngoại tình anh đã nghe xầm xì từ lâu. Lúc đầu, ông bạn nhậu chỉ ỡm ờ: “Mày phải xem lại vợ mày”. Anh gạt phắt. Anh là tài xế, chị là cán bộ huyện. Anh thương vợ, chị trọng chồng, đôi bên lúc nào cũng vừa lòng nhau, chẳng thể có chuyện chị chê anh mà ngoại tình.

Lần tiếp theo, trong một bàn nhậu đông người, đang bàn chuyện đàn bà lăng nhăng, bạn nhậu làm như cao hứng cụng ly với anh một cái, “khen”: “Nhịn nhục như mày mới lấy được vợ có chức!”. Anh chột dạ. Nhân lúc đám bạn lè nhè say, anh tranh thủ tìm hiểu. Chuyện này người ta truyền tai nhau đã lâu, vì “khó nói” nên bạn bè anh “im lặng nhìn anh bị cắm sừng”. “Tình địch” của mình anh biết rất rõ, là sếp lâu năm của chị, hai người thân như anh em. Anh bán tín bán nghi, nóng lòng về nhà gặp vợ để hỏi cho ra lẽ. Đêm đó, vừa về tới nhà, thấy chị cơm nước sẵn sàng ngồi chờ chồng; vui vẻ, dịu dàng dù chồng đã say khướt, anh cười khẩy vào nỗi hoài nghi của mình. Chị đảm đang, vẹn toàn với chồng con thế, lấy đâu ra năng lượng mà… hư hỏng?

Từ ngày chị được thăng chức, “dư luận” càng thêm ồn ã. Anh nghe ra bao nhiêu mỉa mai trong những lời chúc mừng của đồng nghiệp. Thằng bạn thân nhất cuối cùng cũng chịu làm “bạn tốt”, khi thân mật quàng vai anh, nói khẽ: “Thiệt tình, vợ ông đàn bà con gái, lại không thân không thế, làm sao leo lên được cái chức đó nếu không nhờ gã kia”. Anh thật sự mất bình tĩnh khi anh bạn an ủi: “Mà nghĩ lại, nó leo cao thì chồng con nó được nhờ, mà chồng con nó là cha con ông chớ ai!”. Anh ta còn buông một câu: “Khổ nỗi, đã vậy thì khó mà còn thời gian cho chồng, kiểu gì cũng tới lúc ông dài cổ chờ vợ bên mâm cơm thôi”. Anh đứng phắt dậy, không nói không rằng, xách xe chạy thẳng về nhà. Y như rằng, chị không có nhà, còn anh thì lần đầu tiên trở thành người cha hung dữ trước mặt con gái.

Anh gác tay lên trán, lần giở lại từng ngày tháng năm đã qua, rồi nhận ra mọi biểu hiện của vợ sao mà trùng khớp với lời đồn. Chị đi sớm về muộn, mở miệng ra là một sếp, hai sếp. Chuyện chị khéo vun vén gia đình cũng dễ hiểu thôi, vì đã làm điều tội lỗi nên chị càng muốn bù đắp cho gia đình, đó cũng như một cách che mắt. Càng nghĩ, anh càng tuyệt vọng.

Ngoài kia, anh nghe hình như vợ đã về. Tiếng thút thít của con bé nhỏ mỗi lúc một to lên như đang kể tội cha với mẹ nó. Anh nhớ, sáng đi làm chị đã báo trước là tối nay trên cơ quan có tiệc tân niên. Mặc kệ, biết đâu đó chỉ là một cái cớ. Anh ngồi dậy, lại chỗ máy tính, vào google, gõ “cách làm thủ tục ly hôn”. Bên ngoài vọng vào tiếng mảnh vỡ thủy tinh va vào nhau rất khẽ, chị đang lặng lẽ dọn dẹp tàn tích sau cơn giận của chồng. Trên màn hình hiện lên rất nhiều đường dẫn, chỉ cần kích vào một trong số đó, anh sẽ rành rõ cách bước ra khỏi cuộc hôn nhân này. 

Nghe tiếng bước chân vợ tiến gần về phía cửa phòng, anh rời bàn máy, thả lưng xuống giường. Chị đẩy cửa bước vào, tiến lại chiếc máy tính đang sáng màn hình, định toan tắt đi như thường lệ. Chị khựng lại mấy giây trước dòng từ khóa trên màn hình, rồi quay sang chồng, cười buồn: “Anh biết bấm dấu rồi sao?”. Anh len lén tủi hờn, nhớ những đêm vợ kiên nhẫn dạy chồng cách sử dụng máy tính. Đôi tay anh suốt ngày chỉ biết cầm vô lăng cứ cứng đờ, gõ phím như… gà mổ, chị vẫn khăng khăng “anh làm được”, rồi bắt anh phải học cả cách gõ dấu tiếng Việt.

Người phụ nữ chu đáo, khiêm nhường trước mặt anh và người đàn bà ngoại tình trong lời đồn đại mơ hồ của thiên hạ, đâu mới là vợ anh? Làm sao để minh định, khi hình ảnh thật anh nhìn thấy mỗi ngày cứ bị bôi xóa bởi những lời nói hư hư thực thực liên tục thổi vào tai anh, như câu chuyện Tăng Sâm giết người. Thiên hạ đã len chân vào, làm mưa làm gió với mái ấm của anh từ bao giờ, anh đã biến thành bà mẹ vứt bỏ khung cửi chạy theo lời đồn từ bao giờ thế này?

Quy ước yêu thương của vợ

Một khi quy ước khiến cả hai ngột ngạt mà chẳng mang lại lợi ích chung, thì nên từ bỏ, không nên cố chấp mà theo đến cùng.

Quy ước yêu thương của vợ

“Đi làm đã mệt mỏi với nội quy, về nhà lại gặp quy ước của vợ, có nhất thiết phải làm khổ nhau vậy không?” - Quang ném túi xách xuống ghế, bực dọc.

Số là, Quang và vợ đã giao kèo, trong một tuần, anh chỉ được đi nhậu vào thứ Tư và thứ Sáu. Nhưng hôm nay, Quang có tiệc chia tay đồng nghiệp, đã xin vợ thay vì thứ Tư, chuyển sang nhậu thứ Ba, nhưng vợ anh cương quyết: “Không được, anh đặt ra quy ước, anh phải tôn trọng quy ước đó. Anh không tôn trọng quyết định của bản thân, còn ai có thể tôn trọng anh?”. Chuyện của vợ chồng Quang không phải là cá biệt. Việc vợ chồng đặt ra quy ước để ràng buộc trách nhiệm với gia đình một cách rõ ràng hơn đang khá phổ biến…

"Mua dây buộc mình?"

Quang và Yến lấy nhau được bảy năm, có một con gái năm tuổi. Yến đã “mời” Quang ngồi vào “bàn đàm phán gia đình” và thẳng thắn: “Em và anh đều làm công chức, công việc tương đương nhau, nhưng sau giờ làm, anh đi nhậu, còn em tối mắt tối mũi với bếp núc, chăm con”. Với cách đặt vấn đề nghiêm túc và hợp lý ấy, Quang đành phải thỏa thuận, một tuần chỉ nhậu vào thứ Tư và thứ Sáu, những ngày còn lại thì về ăn cơm cùng vợ con, chở vợ con đi bơi hoặc đi công viên. Nhưng, muốn nhậu có hứng thì phải có đúng bạn và đúng dịp. Trong nhóm bạn, chỉ mỗi Quang là phải nhậu theo “lịch” cố định, nên anh thường xuyên ấm ức khi "kế hoạch nhậu" của mình không trùng với các chiến hữu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Quang gần như bị bạn nhậu bỏ rơi, nên dù anh vẫn về nhà đều nhưng “mỗi lần nhìn mặt vợ là thấy ghét”! Đã thế, anh còn bị vợ nhận xét: “Chỉ vì không được bữa nhậu như ý mà mặt sưng mày sỉa. Một giao ước nhỏ với vợ mà làm không xong, chẳng hiểu ở cơ quan, làm sao anh tuân thủ các nguyên tắc khác để làm việc. Thảo nào cứ lẹt đẹt cái chân chuyên viên quèn”. Quang chạm tự ái, lớn tiếng đòi chia tay để khỏi phiền phức với mấy cái quy ước vớ vẩn. Yến không vừa: “Anh tự đặt ra quy ước rồi nói nó vớ vẩn, chẳng khác nào tự nhận là mình vớ vẩn”.

Từ lúc mới cưới, Tiến và Hằng đã thỏa thuận, phải thực hiện số lần thăm bên ngoại và bên nội như nhau. Thỏa thuận này tưởng chừng hợp lý, bởi vợ chồng Tiến ở Q.Bình Thạnh, cha mẹ Tiến ở Q.Gò Vấp, cha mẹ Hằng ở Q.Phú Nhuận, quãng đường đi thăm tương đương nhau.

Nhưng, sau khi sinh con, Hằng quyến luyến về ngoại nhiều hơn. Có hôm, Tiến thả hai mẹ con bên ngoại, rồi chạy sang bên nội uống rượu, trong khi ở nhà ngoại hôm đó cũng có tiệc. Trong bữa ăn, cha hỏi con gái: “Thằng Tiến buồn gì nhà mình mà không ở lại ăn chung?”. Hằng nửa phân bua với cha, nửa cố nuốt cục nghẹn vào lòng. Chiều, Tiến ghé đón vợ con, Hằng cự. Tiến nói lý do: “Dạo gần đây em hay về bên ngoại. Thôi thì em không thăm bên nội được, anh phải tranh thủ đi một mình. Mình đã giao kèo là thăm hai gia đình với số lần bằng nhau mà?”. Hằng chống chế là do có con nhỏ nên về ngoại chơi, được bà ngoại đỡ đần, chứ sang bên nội, vừa chật chội, vừa phải lo ôm con.

Tiến giận, nói vợ coi thường nhà chồng nóng, chê mẹ chồng vô tâm. Đã vậy, bỏ quy ước luôn cho khỏe. Hằng không chịu, bảo việc đi thăm hai bên nội ngoại mỗi cuối tuần là cần thiết. Hằng nói: “Thỏa thuận là vậy, nhưng anh phải xem xét thực tế mà thông cảm cho em, không thể áp dụng cứng nhắc”. Nhưng, Tiến vẫn khăng khăng, thà không lập quy ước, đã lập mà thực hiện nửa vời, chỉ rước thêm bực.

Tự nguyện là chính

Thực tế, số người đặt ra quy ước thì nhiều, nhưng thực hiện được lại chẳng bao nhiêu. Con người vốn có xu hướng muốn vượt ra ngoài khuôn khổ, trong khi “người giám sát” lại không đủ quyền lực và chế tài, nên lại càng khó. Đơn cử, có đôi vợ chồng giao ước không về nhà quá 11h đêm mỗi ngày. Người chồng vẫn biết là đến giờ phải về, nhưng phần ham vui, phần chủ quan nghĩ, có thất hứa với vợ một bữa cũng không sao, cùng lắm vợ cằn nhằn vài câu rồi đâu lại vào đó. Khi “bên kia” vi phạm, người vợ dù rất tức nhưng không có cách gì để trừng phạt.

MC Quỳnh Hương được nhiều người thán phục vì nhiều năm qua, chị đã giữ được quy ước “dù bận thế nào, hai vợ chồng cũng về nhà để cùng ăn cơm trưa”. Chồng Quỳnh Hương là người thành đạt, rất bận rộn, chị cũng không dễ sắp xếp thời gian vào buổi trưa. Thế nhưng, họ vẫn làm được điều họ muốn. Chị nói, điều quan trọng là hai vợ chồng phải làm sao để cảm thấy được ăn trưa cùng nhau là niềm vui, chứ không phải chuyện miễn cưỡng. Thực hiện được một thời gian, đâm “ghiền”, trưa phải ăn ở ngoài là khó chịu.

Biên tập viên Đông Quân (gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình với chương trình Chào buổi sáng trên HTV) thì có “cái hẹn trường kỳ” với vợ là ăn sáng, uống cà phê và chỉ nói chuyện về gia đình vào mỗi thứ Ba, thứ Năm hàng tuần ở một quán quen sau lưng Nhà văn hóa Thanh Niên (TP.HCM). Anh chia sẻ, ban đầu, đưa ra quy ước thì thấy nhẹ nhàng, nhưng khi thực hiện mới thấy khó. Mỗi ngày, ai cũng có áp lực và kế hoạch công việc khác nhau. Nhưng cả hai xác định, vợ chồng có quá ít thời gian dành cho nhau, nên hai bữa cà phê sáng trong tuần là khoảng thời gian cơ bản nhất để gắn bó, xây dựng gia đình.

Như vậy, có thể thấy, hai người lập ra quy ước đồng thời cũng là người tự giám sát việc thực hiện quy ước ấy, nếu cứ lấy lý lẽ ra để “nói chuyện” với nhau là khó khả thi. Những trường hợp như MC Quỳnh Hương, biên tập viên Đông Quân, họ đều thực hiện thành công bởi họ đặt ra quy ước phù hợp với điều kiện thực tế và người trong cuộc thực hiện trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Nếu lập ra giao ước để rồi khi bất đồng lại dùng chính giao ước đó để bắt lỗi nhau, vô tình sẽ biến thành chuyện miễn cưỡng, gò ép.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM, chuyên viên tư vấn tâm lý) kể: “Tôi và chồng cùng thỏa thuận, dù thế nào, cả hai phải ở nhà với con vào ngày Chủ nhật. Chồng tôi vốn ít la cà bên ngoài, nên thực hiện điều này dễ dàng. Trong khi đó, tôi thường xuyên đi dạy, tham gia nói chuyện chuyên đề nên Chủ nhật lại là ngày “đắt sô” nhất. Ban đầu, tôi ở nhà nhưng cứ bứt rứt, bồn chồn. Chồng tôi chỉ nhẹ nhàng: “Em hãy nói cho anh biết, mục tiêu sống cao nhất của em là gì? Có phải vì gia đình không? Nếu không, em có thể phá bỏ quy ước, vắng nhà ngày Chủ nhật”. Tôi tâm phục khẩu phục. Bây giờ, sau hai năm, tôi đã thấy quen, không còn muốn rời gia đình vào ngày Chủ nhật nữa. Quy ước chỉ là hình thức để tạo cơ sở cho hai vợ chồng thực hiện nghĩa vụ yêu thương. Thứ cao hơn là lòng chân thành, thật tâm muốn hy sinh vì nhau. Chỉ khi có được thứ cao hơn ấy, quy ước mới tồn tại bền vững”.

Thạc sĩ Thúy chia sẻ thêm: “Quy ước hôn nhân là hình thức nhắc nhở vợ và chồng thực hiện nghĩa vụ với nhau theo cách mà họ đã thống nhất chọn lựa. Trước tiên, những điều kiện cả hai chọn phải phù hợp với khả năng và đặc thù công việc của mỗi người. Khi đặt ra những điều kiện ấy, cả hai cần lưu ý đến yếu tố “có thể cùng nhau thực hiện một cách thoải mái và tự nguyện”. Nếu quy ước chưa phù hợp với điều kiện mới, có thể cùng nhau điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Một khi quy ước khiến cả hai ngột ngạt mà chẳng mang lại lợi ích chung, thậm chí khiến cả hai có cảm giác như “mua dây buộc mình”, thì nên từ bỏ, không nên cố chấp mà theo đến cùng”.

Đọc nhiều nhất

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.

Tin mới

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Trời lạnh chẳng ngại yêu nhờ 4 bí quyết này

Lạnh buốt khiến nhiều người lười tắm, lười làm việc, thậm chí lười cả "yêu". Tuy nhiên, bạn đâu thể trốn "nghĩa vụ" suốt 3 tháng mùa đông. Vì thế, hãy bỏ túi một số mẹo nhỏ khi ái ân ngày lạnh nhé.
Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

Chồng miễn cưỡng chuyện ấy

 Có khi ông chồng chỉ mới “long thể bất an” chút đỉnh đã khiến cô vợ trẻ vò đầu bứt tai, đôn đáo tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho chồng.
“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

“Yêu” trong ngày “đèn đỏ” có thể dẫn đến vô sinh?

Khi có kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và theo máu kinh ra ngoài. Nếu quan hệ trong thời gian này có thể đẩy dòng máu kinh chảy ngược, các mảnh niêm mạc bong ra sẽ đi ngược vào các cơ quan khác như buồng trứng, vòi trứng, bàng quang, ổ bụng...
Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Thực phẩm mạnh hơn cả Viagra, quý ông nào cũng muốn ăn

Nhiều nghiên cứu chứng minh thực phẩm có thể nâng cao sức sống của tinh trùng, có tác dụng tốt trong việc cải thiện chứng bất lực và bệnh yếu thận. Từ đó, làm giảm các bệnh yếu sinh lý, tinh trùng kém, rối loạn hành vi tình dục ...