Ngày 8/9, Cơ quan CSĐT công an TP HCM thực hiện bắt khẩn cấp đối tượng Lục Minh Hải (30 tuổi, quê tỉnh Đồng Nai, tạm trú quận Bình Tân, TP HCM) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
CQĐT cho biết dù thủ đoạn của bọn lừa đảo quá cũ, Công an thường xuyên cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân dính bẫy. |
Liên quan đến vụ việc, sáng 12/7, khi các con đều đi làm, trong khi ở nhà 1 mình thì bà H.T.P.H. (ngụ quận 4) nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên thu cước điện thoại ở Hà Nội thông báo gia đình bà H. đang nợ 8,9 triệu đồng tiền cước.
Quá bất ngờ, bà H. khẳng định gia đình mình ở không liên quan đến chuyện nợ cước điện thoại thì đầu dây bên kia tiếp tục thông báo chuyển cuộc gọi cho công an để xác minh.
Sau đó, một người đàn ông khác nghe máy, tự xưng là cán bộ Công an ở thành phố Hà Nội thông báo bà H. đang bị tình nghi liên quan đến vụ lừa đảo “đại án” một ngân hàng từng gây chấn động dư luận. Tiếp tục đe doạ, đối tượng nói trên thông tin rằng hàng tỷ đồng trong tài khoản của bà H. là tiền phạm pháp.
“Lúc đó tôi quá lo sợ nên tự động khai báo trong tài khoản của mình có số tiền 1,3 tỷ đồng và khẳng định đây là tiền tích dành dụm trong nhiều năm. Đối tượng tiếp tục hù dọa, yêu cầu tôi chuyển toàn bộ số tiền 1,3 tỷ đồng vào tài khoản khác do chúng chỉ định để kiểm tra”, bà H. kể lại.
Các đối tượng thông báo với bà H. trong vòng 24 giờ nếu công an xác định số tiền này không dính líu gì đến vụ án thì sẽ gửi trả lại ngay.
Đến chiều đi làm về, biết mẹ bị lừa, các con bà H. lập tức phong toả tài khoản của mẹ nhưng toàn bộ số tiền đã bị bọn lừa đảo rút sạch, lúc này nạn nhân chỉ còn biết đến công an trình báo vụ việc.
Tương tự, bà N.T.N (ngụ Q.Tân Bình) cũng bị nhóm đối tượng này yêu cầu chuyển vào tài khoản của bọn chúng 90 triệu đồng, sau đó bị bọn chúng chiếm đoạt hết.
“Bà N. còn khai đã chuyển hơn 2,2 ty đồng vào tài khoản của các đối tượng tên Mua Thị Giảng và Vương Quang Đăng. Tuy nhiên, lai lịch của 2 đối tượng trên CQĐT vẫn đang truy xét. Dù thủ đoạn của bọn lừa đảo quá cũ, Công an thường xuyên cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân dính bẫy”, một cán bộ thuộc ban chuyên án chia sẻ.
Tận mặt kẻ tiếp tay người nước ngoài lừa đảo
Đối tượng Lục Minh Hải |
Tại CQĐT, Hải khai nhận, trong một lần đi bán chuỗi ngọc đeo tay, Hải tình cờ quen biết biết với người Trung Quốc khá rành tiếng Việt có tên Quân.
Nghe Hải tâm sự về cuộc sống khó khăn, buôn bán ế ẩm, không có tiền đóng tiền nhà trọ nên Quân hứa giúp đỡ “việc nhẹ lương cao” bằng cách bảo Hải đi mở thẻ ATM bán cho mình.
Theo lời khai của Hải, đối tượng Quân cho biết mua thẻ ATM để cung cấp cho nhóm người Đài Loan, Trung Quốc dùng chuyển và nhận tiền từ các sòng bài hoạt động phi pháp.
Tuy nhiên qua đấu tranh khai thác, Hải thừa nhận biết rõ Quân sử dụng các thẻ ATM này vào việc nhận tiền lừa đảo nhưng vì tham tiền nên vẫn nhận lời để lấy tiền công.
Từ tháng 5/2016 đến khi bị bắt, Hải đã mở 4 thẻ tài khoản và giao cho Quân để nhận tiền công 6 triệu đồng. Ngoài ra, Hải còn nhờ một người tên Nguyễn Thị Kim Dung (chưa rõ lai lịch) mở 2 thẻ ATM, sau đó Hải bán lại 2 thẻ này cho Quân.
Công an xác định đối tượng Quân (tức Li Ming Jun đã đăng ký kết hôn với một phụ nữ Việt Nam và cả 2 sống tại quận Bình Tân, TP HCM). Tuy nhiên, sau khi rút trót lọt hàng chục tỷ đồng của các nạn nhân và biết bị lộ, Ming Jun đã cao chạy xa bay về Trung Quốc.