Xe tăng và xe bọc thép của quân đội Ukraine bị bắn hỏng tại chiến trường Zaporizhia ngày 8/6 vừa qua. Nguồn Bộ Quốc phòng Nga |
Các phương tiện bọc thép do phương Tây cho quân đội Ukraine tỏ ra “quá mỏng manh” trong điều kiện chiến đấu ở chiến trường Ukraine và khoảng 20% số phương tiện trong tình trạng hoàn toàn không hoạt động.
Tờ Bankova của Ukraine, trích dẫn một nguồn từ Quân đội Ukraine cho biết, họ thất vọng về xe tăng Leopard 2 của Đức; hóa ra, chúng cũng cháy khi trúng đạn pháo, cần bảo dưỡng liên tục và hỏng nhanh hơn nhiều so với xe tăng Liên Xô.
Ngoài ra, việc sử dụng xe tăng phương Tây trong cuộc phản công hóa ra không hiệu quả; mặc dù phương Tây từng dự đoán rằng, quân đội Nga gặp khó khăn khi đối đầu với xe tăng Đức. Thay vào đó, người Nga đã nhanh chóng phá hủy, khi chúng chưa kịp bắn phát đạn nào và không một chiếc Leopard nào lọt được vào tuyến phòng ngự của quân Nga.
Theo Quân đội Ukraine, xe tăng Đức bị cho là quá khó bảo trì và sử dụng so với xe tăng Liên Xô. Ngoài ra, phương Tây cung cấp trang bị cho Ukraine, nhưng hầu như không có phụ tùng thay thế.
Xe tăng Leopard 2A6 của Quân đội Ukraine. Nguồn Topwar |
Giờ đây, Quân đội Ukraine đang thiếu phụ tùng thay thế nghiêm trọng cho các phương tiện bọc thép của phương Tây. Chúng ta không chỉ nói về xe tăng Đức, mà cả xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh của Mỹ, v.v.
Những vũ khí bị bị hỏng hóc phải được gửi đến Ba Lan hoặc Cộng hòa Séc để sửa chữa, vì không có cơ sở nào cho việc này trên lãnh thổ Ukraine. Phương Tây từ chối xây dựng các cơ sở bảo dưỡng trên đất Ukraine, vì sợ tên lửa Nga.
Vừa qua, trên mạng xã hội đã công bố đoạn phim quay một xe tăng Leopard 2A6 của Quân đội Ukraine, được kéo bằng xe cứu kéo chuyên dụng Bergepanzer 3 ARV, được chuyển giao từ Canada.
Xe tăng Leopard 2A6 của Quân đội Ukraine, được kéo bằng xe cứu kéo chuyên dụng Bergepanzer 3 ARV. Nguồn Topwar |
Rõ ràng, chiếc xe tăng Leopard trên đã cán phải một quả mìn, trong một cuộc tấn công quy mô lớn của Quân đội Ukraine, trên hướng Zaporozhye.
Chiếc xe tăng được quay trong video là một trong những chiếc xe tăng bị thiệt hại trong cuộc phản công ở khu vực phía nam; tuy nhiên đây là chiếc Leopard hiếm hoi bị hỏng mà Quân đội Ukraine kịp kéo nó khỏi chiến trường; còn phần lớn đều bị bỏ lại hoặc bị quân Nga thu làm chiến lợi phẩm.
Xe tăng Leopard 2A6 của Quân đội Ukraine, được kéo bằng xe cứu kéo chuyên dụng Bergepanzer 3 ARV. Nguồn Topwar
Trong khi đó, tình báo Anh gọi việc sử dụng xe tăng Challenger 2 trong cuộc tấn công theo hướng Zaporozhye là "không hợp lý"
Sau thất bại hoàn toàn của xe tăng Leopard 2 của Đức, Anh bắt đầu nghĩ đến số phận của những chiếc xe tăng Challenger 2 được họ chuyển giao cho Ukraine.
Người Anh rất lo sợ rằng, xe tăng Challenger 2 cũng theo chân Leopard của Đức, sẽ rơi vào tay người Nga. Và sau khi quân đội Nga chiếm được Leopard 2 của Đức, cũng như các phương tiện chiến đấu bộ binh Bredly của Mỹ; điều này đã trở thành một mối đe dọa thực sự với xe tăng Anh.
Trước đó Bộ Quốc phòng Anh, trước khi chuyển giao xe tăng cho Ukraine, đã đặt ra một điều kiện cho Kiev rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Challenger 2 không được rơi vào tay người Nga.
Báo chí Ukraine cho biết, London một lần nữa quay sang Kiev và "mạnh mẽ" yêu cầu, không sử dụng xe tăng Anh trong giai đoạn đầu của cuộc phản công; đặc biệt là ở hướng Zaporozhye và Nam Donetsk.
Theo tình báo Anh, điều này đơn giản là "không hợp lý"; nhưng trong lúc thiếu vũ khí hạng nặng, liệu Quân đội Ukraine có lắng nghe các nhà tài trợ của mình, hay Challenger 2 sẽ xuất hiện trên chiến trường?
Xe tăng Challenger 2 mà Anh viện trợ cho Ukraine. Nguồn Reuters |
Vào đầu tháng 3 vừa qua, Anh đã bàn giao 14 chiếc xe tăng Challenger 2 cho Ukraine. Đồng thời, có thông tin cho rằng, đã có một kế hoạch nhất định đã được London soạn thảo, nhằm ngăn chặn xe tăng Challenger 2 trở thành chiến lợi phẩm của quân Nga.
Được biết, người Anh đặt điều kiện cho việc viện trợ xe tăng Challenger 2 cho Ukraine, đó là phải sơ tán khỏi chiến trường trong trường hợp thất bại, cũng như phá hủy xe tăng nếu không thể sơ tán chúng.
Challenger 2 được người Anh quảng cáo như cỗ xe tăng "bất khả chiến bại". Dù đã tham chiến trên nhiều mặt trận tại Trung Đông, chưa từng có một chiếc Challenger 2 nào bị hạ gục trên chiến trường bằng hỏa lực của đối phương. Một chiếc Challenger 2 từng trúng hơn 70 quả đạn chống tăng nhưng vẫn sống sót quay về căn cứ, trong khi đó chiếc Challenger 2 duy nhất từng ghi nhận bị bắn hạ trên chiến trường, lại bị bắn hạ bởi chính một chiếc Challenger 2 khác do xác định nhầm mục tiêu.