Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giao ban Quản lý nhà nước tháng 10 của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) chiều 1/11, người đứng đầu ngành TT&TT rất bức xúc trước tình hình nhiều nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm quy định hoạt động báo chí của pháp luật, dẫn thông tin từ Facebook nhưng thiếu kiểm chứng, thậm chí trích nguồn từ các trang phản động. Nhiều tờ báo cố tình đăng tải thông tin thiếu chính xác, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
"Từ một thông tin sai mà hàng chục cơ quan báo chí đưa tin giống hệt nhau là một hiện tượng rất bất thường", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông yêu cầu Cục Báo chí làm rõ trách nhiệm, sai phạm, xử lý các cơ quan báo chí có liên quan tới vụ "nước mắm nhiễm asen" nói riêng, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan báo chí vi phạm quy định nói chung nhằm chấn chỉnh hoạt động báo chí theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đặt ra.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Báo chí làm rõ trách nhiệm, sai phạm, xử lý các cơ quan báo chí có liên quan tới vụ "nước mắm nhiễm asen". |
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị về tình hình báo chí trong tháng 10, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Bộ, Cục đã xử phạt 56 cơ quan báo chí vi phạm số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng. Trong đó, riêng vụ thông tin sai sự thật về nước mắm nhiễm asen đã có 50 cơ quan báo chí bị xem xét xử phạt.
"Cục cũng đã lập biên bản và dự kiến sẽ ra quyết định phạt trong tuần này đối với những cơ quan báo chí vi phạm", ông Phúc cho hay.
Ngoài ra, trong tháng còn có 2 tờ báo bị đình bản, 2 nhà báo bị thu hồi thẻ và 3 cơ quan báo chí bị xử phạt vì đăng tin vi phạm thuần phong mỹ tục.
Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp trá hình
Không chỉ trong lĩnh vực báo chí mà lĩnh vực trang thông tin điện tử tổng hợp cũng có nhiều sai phạm "điển hình" trong tháng 10 vừa qua, như phản ánh của ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT). Một số trang thông tin điện tử vẫn hoạt động không phép, hoặc vi phạm nội dung giấy phép được cấp, thậm chí trích dẫn các thông tin ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Ngoài ra, ông Lâm còn chỉ ra một tình trạng khác đang khá phổ biến hiện nay là trang tin điện tử đặt hàng bài viết trên một số trang báo theo thị hiếu của mình, thuật ngữ chuyên môn gọi là cấy nguồn. Do là bài "đặt hàng" nên sẽ không theo đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo đó. Cục PTTH&TTĐT đã gửi văn bản cho nhiều doanh nghiệp, cơ quan chủ quản trang tin, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động trang tin điện tử trong tháng qua.
Thừa nhận hiện tượng này đang gây bức xúc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Cục PTTH&TTĐT cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với những trang tin vi phạm.
"Nhiều trang tin tổng hợp nhưng tự sản xuất, xuất bản tin bài như cơ quan báo chí. Một số trang hoạt động trá hình, bài đăng trên tờ báo liên kết chỉ là phụ, đăng trên trang tổng hợp mới là chính. Tới đây những trang này cần phải bị xử lý", ông nhấn mạnh.