Mở cửa phiên giao dịch 31/3, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) vẫn tiếp tục giảm sàn phiên thứ 9 liên tiếp, từ mức 10.200 đồng hôm 18/3 xuống còn 5.340 đồng/cp.
Dư mua cổ phiếu QCG vẫn trống trơn, trong khi dư bán ở mức giá sàn lên tới gần 1,7 triệu đơn vị.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, chưa tới nửa tháng, cổ phiếu QCG đã giảm gần 48%, tương đương vốn hóa của doanh nghiệp bốc hơi gần 1.500 tỷ đồng.
Những đợt tăng cao rồi giảm sâu là tình trạng thường thấy của cổ phiếu QCG nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla). Trước đó, hồi đầu năm 2017, cổ phiếu này cũng đã tăng 6-7 lần trong khoảng 1 tháng (từ mức 4.000 đồng lên đỉnh cao gần 29.000 đồng/cp) rồi quay đầu lao dốc trong nhiều tháng sau đó, về trở lại vị trí xuất phát.
Hiện tượng tăng giảm của cổ phiếu QCG cũng rất bất thường, gắn với những thông tin không mấy cơ bản của doanh nghiệp, mà thường sau đó lại bị đính chính điều chỉnh.
Trong lần tăng giá hồi đầu 2017, Quốc Cường Gia Lai nhà ông Nguyễn Quốc Cường có thông tin về việc ký hợp đồng với một đối tác nhận đặt cọc 50 triệu USD cho việc chuyển nhượng dự án đình trệ 10 năm Phước Kiển cho Tập đoàn Sunny.
Cổ phiếu QCG nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) liên tục biến động mạnh, tăng giảm thất thường. |
QCG cũng dính khá nhiều tai tiếng lùm xùm, liên quan tới việc công bố thông tin không đúng, không kịp thời và việc mua bán đất vàng giá rẻ, liên quan tới một số lãnh đạo của TP.HCM sau đó bị xử lý kỷ luật.
Việc ký chuyển nhượng đất vàng giữa QCG và Công ty Tân Thuận (thuộc Thành ủy TP.HCM) không báo cáo cho tập thể Thường trực và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy sau đó đã bị hủy.
Cũng sau sự việc, ông Nguyễn Quốc Cường, con trai bà Loan đã rút khỏi mọi chức vụ tại Quốc Cường Gia Lai. Từ khi ông Cường rời đi, doanh nghiệp này vẫn chìm trong bết bát. Doanh nghiệp của nhà Cương đôla vẫn xuống dốc đều đều.
Tình hình tài chính của QCGL chưa có nhiều thay đổi, vẫn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tồn tại trước đó, từ nợ nần chồng chất, tồn kho lớn, vướng một dự án Phước Kiển khác và hoạt động báo cáo thông tin chưa tốt lên... Quan hệ vay mượn trong doanh nghiệp khá lằng nhằng.
Trên thị trường, khá nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh trong bối cảnh thị trường chung đồng loạt đi xuống. Nhóm cổ phiếu nhà ông Trịnh Văn Quyết chứng kiến nhiều phiên giảm sàn liên tiếp như: AMD, ROS,...
Cổ phiếu Nông dược Hậu Giang (HAI) cũng chứng kiến 9 phiên giảm sàn liên tiếp, từ mức 4.880 đồng/cp xuống 2.580 đồng/cp vào sáng 31/3.
Cổ phiếu AMD cũng giảm sàn 9 phiên liên tiếp, từ mức 5.200 đồng/cp hôm 18/3 xuống 2.740 đồng/cp vào sáng 31/3.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index sáng 31/3 quay đầu tăng trở lại sau một phiên “Thứ Hai đen tối” trước đó. Chỉ số này đang tăng khoảng 10 điểm nhờ hầu hết các cổ phiếu blue-chips trong nhóm VN30 tăng trở lại.
Tuy nhiên, áp lực chung trên thị trường vẫn khá lớn. Hàng loạt quỹ ETFs tiếp tục bị rút vốn trong tuần giao dịch cuối tháng 3, lên tới hàng chục triệu USD. Giao dịch khối ngoại cũng diễn ra khá tiêu cực khi họ tiếp tục bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trong tuần qua.
Các quỹ ETFs đang có xu hướng rút vốn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu do lo ngại kinh tế suy thoái bởi tác động đại dịch Covid-19.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo BSC, việc giảm sâu của thị trường về sát ngưỡng 650 điểm cũng có thể kích hoạt dòng tiền bắt đáy như trong tuần giao dịch trước. Du vậy, BSC duy trì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi và duy trì danh mục cổ phiếu ở mức an toàn.
Còn YSVN cho rằng VN-Index có thể sẽ tiếp tục kiểm định lại vùng đáy cũ 652 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực cho thấy xu hướng giảm vẫn có khả năng mở rộng ở các vùng giá thấp hơn. Tuy nhiên, vùng 600 – 640 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/3, VN-Index giảm 33,8 điểm xuống 662,26 điểm; HNX-Index giảm 4,63% xuống 92,84 điểm. Upcom-Index giảm 2,55% xuống 47,58 điểm. Thanh khoản đạt 3 ngàn tỷ đồng.