Giá đền bù thế nào?
Ngày 26/10, người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội tiếp tục dựng lều bạt, ngăn xe vào bãi tác Nam Sơn dẫn đến hàng nghìn tấn rác thải tại Hà Nội không thể xử lý.
Dù các đơn vị môi trường đã lên kế hoạch phân luồng, di dời số rác thải nhưng do khối lượng lớn rác tồn đọng vẫn rất lớn. Do đó, nếu không giải quyết được tình trạng trên, việc Hà Nội đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường những ngày tới là hiện hữu.
Một trong những nguyên nhân người dân chặn xe rác như lời ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết, do bãi rác Nam Sơn đã quá tải, ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với đó, chính sách đền bù giá đất, giải phóng mặt bằng đối với vùng ảnh hưởng môi trường vẫn còn thấp, nên nhiều hộ dân không đồng thuận. Vậy, mức đền bù thế nào khiến người dân buộc phải chặn xe rác?
Người dân dựng lều, chặn xe vào bãi rác. Ảnh: Lao động |
Tháng 7/2019, UBND TP Hà Nội cho phép UBND huyện lập, phê duyệt, bổ sung chính sách hỗ trợ với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2.
Theo đó, liên ngành thành phố gồm: Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và UBND huyện Sóc Sơn thống nhất giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4, đường 35 là 2,7 triệu đồng/m2.
Với các hộ dân thuộc xã Hồng Kỳ không đồng tình với vị trí quy hoạch khu tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn được phép sử dụng quỹ đất này để bổ sung vào quỹ tái định cư cho các hộ phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp hộ dân có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phê duyệt mức hỗ trợ 1,96 triệu đồng/m2.
Với các trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 400 m2 trở lên, TP Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn lập kế hoạch thực hiện trả ngay cho các hộ, với phần diện tích đất ở trong hạn mức và chính sách bồi thường, hỗ trợ. Phần diện tích đất vượt hạn mức, thành phố giao Thanh tra chủ trì cùng UBND huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện theo đúng quy định.
Tháng 7/2020, người dân cho biết, phương án cuối cùng mà UBND huyện Sóc Sơn đưa ra chỉ chấp nhận đền bù 1/3 số tiền so với thỏa thuận ban đầu. Phần đất ở, đơn vị trả 4,08 triệu/m2, đất vườn liền kề cùng đất ở chỉ trả 500.000 đồng/m2.
Trong khi đó, tài sản trên đất ở được huyện chấp nhận chi trả 100% nhưng phụ thuộc thời gian xây dựng: Tài sản có trước năm 1993 là 80%, giai đoạn 1993-2004 là 50%, giai đoạn 2004-2014 là 10% và từ 2014 đến nay thì không được chi trả. Do đó, người dân cho rằng mức đền bù quá thấp và không hợp lý nên đã không chấp nhận di dời.
Tại cuộc đối thoại với người dân sáng 17/7/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, quan điểm của thành phố, diện tích đất mà người dân đang sử dụng, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ghi như thế nào thì khi đền bù, diện tích được tính đền bù sẽ đúng như thế.
Tuy nhiên, với những hộ được cấp GCNQSDĐ trên 400m2, trong đó có hộ được cấp 1.700m2, 2.000m2 là vượt hạn mức được cấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp GCNQSDĐ cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Hùng nhấn mạnh, nếu người dân tự giác phối hợp với chính quyền để điều chỉnh lại, thì vẫn đền bù đất ở đủ 400m2, phần diện tích còn lại, thành phố hỗ trợ đền bù 500 nghìn đồng/m2, cao hơn nhiều lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành. Còn về tài sản trên đất, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành rất đầy đủ. Miễn là tài sản hợp pháp, chính đáng của người dân thì phải đền bù cho dân.
Đối với kiến nghị về việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, ông Hùng đề nghị huyện Sóc Sơn phải kiểm tra lại ngay, nếu sai phải sửa cho đúng.
Mới đây, người dân cho biết, trong đợt chặn xe vào bãi rác vào hồi tháng 7/2020, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn sớm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố đối với vấn đề liên quan đến đền bù đất nông nghiệp, giải quyết cơ bản xong ngay trong tháng 7/2020.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng và triển khai phương án bồi thường cho người dân, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2020, song đến nay gần hết năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Do đó, người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác để yêu cầu thành phố thực hiện lời hứa. Như vậy, từ năm 2016 đến nay, người dân quanh bãi rác Nam Sơn 7 lần chặn xe để yêu cầu được đền bù di dời, khiến nội thành Hà Nội ùn ứ rác thải sinh hoạt.
Rác thải ùn ứ ở nội đô. Ảnh: VTV |
Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo TP, quận, phường
Ngày 26/10, bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn thành phố Hà Nội) thể hiện sự quan ngại vì là lần thứ hai trong năm nay, người dân 2 xã lập chốt chặn xe rác từ Hà Nội về.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về những cán bộ được phân công thanh toán, chi trả tiền đền bù cho người dân. Thực tế, vướng mắc trong thanh toán, chi trả tiền đền bù cho người dân ở đây đã kéo dài nhiều năm mà chưa được giải quyết triệt để.
“Tại sao lại không chi trả tiền đền bù cho dân, tiền đền bù cho dân hiện nay đang ở đâu và ai không chi trả. Từng cấp từ thành phố đến quận, huyện Sóc Sơn cũng như đối với địa phương cần xem người nào không thực hiện đúng quy định” – đại biểu Khánh đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, việc xem xét trách nhiệm từ các lãnh đạo thành phố, đến huyện, địa phương, cũng như các sở, ban, ngành không thực hiện việc thanh toán, chi trả đền bù cho người dân. Đặc biệt, thành phố phải chỉ đạo quyết liệt, không chỉ giải quyết vấn đề mang tính chất tình thế để dẹp yên vài ba ngày, xong lại tiếp tục tái diễn như hiện nay. Việc này cũng tạo tiền lệ xấu cho người dân, cứ khi có xe rác từ Hà Nội về lại lập chốt chặn, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, lãnh đạo UBND thành phố cũng phải xem trách nhiệm của cán bộ được phân công phụ trách công việc này, tại sao lại để ách tắc dẫn đến bức xúc của người dân.
Ngày 26/10, Thành uỷ Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ với các đơn vị của TP sau vụ việc người dân bủa vây bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) khiến rác thải sinh hoạt ùn ứ khắp nội thành Hà Nội 3 ngày qua.
Trong đó, Bí thư Hà Nội yêu cầu các đơn vị của TP Hà Nội phải tập trung giải quyết ngay các kiến nghị chính đáng của người dân với nguyên tắc “đảm bảo tối đa” của người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của TP liên quan đến bãi rác Nam Sơn.
Ông Huệ yêu cầu huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn tập trung giải quyết các vấn đề với phương châm “4 tại chỗ”, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân tuân thủ các quy định của pháp luật và các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhất quán của TP để người dân hiểu rõ, hợp tác với chính quyền, không có các hành vi chống đối, vi phạm pháp luật.
Đồng thời yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành khẩn trương rà soát, xem xét, thực hiện các chính sách đền bù GPMB, hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; xây dựng phương án, lộ trình tăng tỷ lệ cấp nước sạch cho người dân huyện Sóc Sơn, đặc biệt là tại 03 xã: Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn; Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, lợi dụng để trục lợi từ cơ chế, chính sách.
Khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2, cũng như xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện giai đoạn 3 của Dự án...
>>> Mời độc giả xem thêm video Người dân tiếp tục chặn bãi rác Nam Sơn
Nguồn: VTV TSTC