“Tôi là Edison. Tôi thường được người ta gọi là ‘ông hoàng phát minh’, bởi tôi đã phát minh ra rất nhiều thứ như bóng đèn để chiếu sáng hay máy phát âm thanh để nghe nhạc. Tuy vậy, những người không có tâm hay gọi tôi là ‘ông hoàng thất bại’”. Đó là lời giới thiệu đầy hóm hỉnh dưới ngôi kể của thiên tài Vật lý Thomas Edison.
Theo Thomas Edison, mỗi lần thất bại là tìm ra được một cách làm không đúng. Nếu thất bại 1.000 lần, nghĩa là ta đã “tìm ra được 1.000 cách làm không đúng”. Chúng ta sẽ chẳng thể tạo nên thành công lớn nếu không có 1.000 thất bại đó.
Câu chuyện về Edison cũng mở đầu cho cuốn Thất bại của danh nhân - Người càng giỏi càng gặp nhiều thất bại của “nhà văn triệu bản” người Nhật Masato Oono.
Trong sách, cây viết này kể hàng loạt thất bại của 23 danh nhân nổi tiếng trên thế giới, đồng thời chỉ ra cách họ đứng dậy trước những vấp ngã để tạo nên thành công lớn.
Cuốn sách viết về hàng loạt thất bại của các danh nhân trên thế giới. Ảnh: Thu Huệ. |
Cuốn sách tập hợp câu chuyện về 23 danh nhân nổi tiếng thế giới như Albert Einstein, Pablo Picasso, đại tá Sanders hay Steve Jobs...
Những con người ấy không phải sinh ra đã thành công, mà chính nỗ lực của bản thân đã giúp họ dù mang trong mình khiếm khuyết, dị biệt, vẫn tìm ra chất xúc tác cho sự nghiệp vĩ đại từ những thất bại lớn trong cuộc đời.
Nhà tạo mẫu Coco Chanel từng bị chê là “lỗi thời”, “lạc hậu”. Trong khi đó, nhà văn Fyodor Dostoyevsky lại nghiện cờ bạc. Vua bóng chày Babe Ruht từng là đứa trẻ ngỗ ngược, có hơn 10 năm sống trong trường giáo dưỡng.
Cụ thể, Coco Chanel được biết đến là nhà thiết kế làm thay đổi lịch sử ngành thời trang. Thế nhưng, ít ai biết rằng năm 12 tuổi, cô bé ấy đã mất mẹ và bị cha bỏ rơi, phải sống trong cô nhi viện đến khi 18 tuổi.
Lớn lên, Chanel mở một cửa hàng thời trang tại Paris (Pháp), thiết kế trang phục dành riêng cho nữ giới, làm dấy lên cuộc cách mạng thời trang và mùi hương của phái đẹp thời đó.
Chiến tranh ập đến, không còn ai quan tâm tới thời trang nữa. Sau chiến tranh, con người lại chuộng mẫu eo bó sát cùng áo cổ rộng. Trang phục của Chanel vì thế mà trở nên lỗi mốt. Buổi trình diễn thời trang của bà bị giới chuyên môn đánh giá là “một hồi ức đáng thương”, “lối thiết kế cũ mèm”, “cố níu kéo chút hào quang quá khứ”…
Xen kẽ những câu chuyện về danh nhân, cuốn sách cũng đề cập một số thất bại thường ngày của họ như “thường xuyên quên đồ”, “trễ giờ”, “hay vấp ngã”, “làm vỡ đồ”, “nói dối” và cách thức vượt qua những thói xấu này.
Đặc biệt, cha mẹ cũng là nhân vật nằm trong danh sách 23 danh nhân được cuốn sách đề cập. Thất bại của cha mẹ là quá yêu thương con. Tình yêu đó đôi khi khiến họ nóng nảy, trách phạt con nặng lời; cũng có khi lại dễ dàng “dung túng” cho những lầm lỗi của con.
Bị chê “lỗi thời”, “lạc hậu”, song Coco Chanel không chấp nhận thua cuộc. Những lời bình phẩm gay gắt đó đã làm bùng lên ngọn lửa đam mê trong bà một lần nữa.
Bà sang Mỹ và quyết tâm thực hiện những mẫu thiết kế đa dạng khác. Một lần nữa, chúng được đưa ra trình diễn và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân nước Mỹ. Sau đó, người Pháp cũng dần thay đổi quan điểm và đón nhận phong cách thời trang của Chanel với sự thích thú.
Điều đó cho thấy khi thất bại, thay đổi môi trường cũng là một trong những cách có thể tạo nên hiệu ứng tích cực.
Câu chuyện khác đến từ thiên tài âm nhạc Ludwig van Beethoven. Năm 28 tuổi, khả năng nghe của ông bị giảm sút nghiêm trọng. Ông không dám nói điều này với ai vì e ngại những điều tiếng không hay. Thất bại của ông là tự đẩy bản thân vào thế cô độc, không tìm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.
Tuy nhiên, trong sự cô độc ấy, Beethoven tìm đến âm nhạc. Kết quả là “vô số danh khúc qua hàng trăm năm cũng chẳng phai màu đã được ra đời”.
Nhà văn Natsume Soseki sau khi du học Anh thất bại, trở về Nhật Bản đã biến những khổ đau, sầu muộn trong lòng mình thành tiểu thuyết. Kết quả là ông đã thành công. Những tác phẩm ông viết được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và trở nên nổi tiếng trên thế giới.
Thiên tài cũng từng mắc nhiều sai lầm. Tuy nhiên, điểm khác biệt của họ là đã dũng cảm chinh phục nó hoặc biến trải nghiệm cay đắng thành sức mạnh để khai phá, sáng tạo.
Cuốn sách được viết bằng ngôn từ dễ hiểu, trong sáng, đi kèm tranh minh họa hấp dẫn. Nhiều đoạn văn được tác giả hóa thân thành chính nhân vật nhằm mang đến góc nhìn hóm hỉnh, lôi cuốn.
Khác với các cuốn sách viết về danh nhân, ở Thất bại của danh nhân - Người càng giỏi càng gặp nhiều thất bại, tác giả không nói về thành công của những bậc vĩ nhân, thay vào đó, chủ yếu khai thác khía cạnh thất bại mà họ đã vấp phải và cách vượt qua để đạt được thành công.
Với tựa sách này, độc giả sẽ biết được rằng thất bại luôn có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống và bước đường đi đến thành công. Dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chấp nhận thất bại là thông điệp mà cuốn sách mang lại.