Bác sĩ Chiêm Quốc Thái. Ảnh: Lê Quân. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chậm hủy bỏ lệnh phong tỏa tài sản khiến ông Thái thiệt hại, liệu trung tâm có bồi thường, người đại diện cho rằng Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng chỉ là đơn vị cung cấp thông tin trung gian, họ không có thẩm quyền mà chỉ làm theo yêu cầu từ TAND quận 1.
"Chúng tôi làm đúng theo yêu cầu từ tòa án. Mọi thông tin cụ thể có thể liên hệ phía tòa quận 1 để hỏi", người đại diện trung tâm nói với Zing.vn.
Tuy nhiên, theo văn bản trả lời Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng từ TAND quận 1, cơ quan này cho biết vào ngày 15/2/2016, tòa đã ban hành văn bản 192. Quyết định này có nội dung thu hồi và hủy bỏ các văn bản đã ban hành trước đó, trong đó có văn bản 67 về việc ngăn chặn chuyển dịch quyền tài sản liên quan đến 2 căn hộ do ông Chiêm Quốc Thái đứng tên sở hữu. Do vậy, hiệu lực của văn bản 67 đương nhiên chấm dứt từ thời điểm đó.
Trao đổi với Zing.vn, ông Chiêm Quốc Thái cho hay trước đó ông đã liên hệ nhiều lần với bà Lâm Quỳnh Thơ (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng), bà Thơ cho biết bà không rõ việc hủy bỏ văn bản có đồng nghĩa với hủy bỏ nội dung trên văn bản hay không nên phải chờ phúc đáp từ TAND quận 1 mới xử lý được.
"Họ kéo dài vấn đề của tôi gần 4 năm với lý lẽ đó là không thể chấp nhận được. Tôi đang tính toán lại thiệt hại của mình để có những bước tiếp theo", ông Thái nói.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, phong tỏa tài sản là một biện pháp khẩn cấp tạm thời do tòa án áp dụng.
Bên cạnh đó, Điều 139 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và VKS cùng cấp.
Căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên, hiệu lực của quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ có hiệu lực ngay khi ban hành. Trường hợp tòa án không ra quyết định theo đúng quy định thì các đương sự có thể khiếu nại.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói thêm trường hợp ông Chiêm Quốc Thái có cơ sở cho rằng hành vi trên gây thiệt hại cho ông, thì có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường.
Vũ Thụy Hồng Ngọc, vợ cũ của ông Chiêm Quốc Thái. Ảnh: Trương Khởi. |
Năm 2016, ông Thái và vợ cũ là bà Vũ Thụy Hồng Ngọc tranh chấp tài sản sau ly hôn và được TAND quận 1 giải quyết.
Ngày 13/1/2016, TAND quận 1 ra công văn số 67 để ngăn chặn việc chuyển dịch quyền tài sản liên quan đến 2 căn hộ do ông Chiêm Quốc Thái đứng tên sở hữu, để đảm bảo quyền lợi các bên. Đến ngày 15/2/2016, tòa án ra công văn 192 về việc thu hồi và hủy bỏ các văn bản, trong đó có công văn số 67.
Ông Thái khiếu nại lên Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng TP.HCM, cơ quan này trả lời chưa nhận được công văn hủy bỏ việc ngăn chặn dịch chuyển của TAND quận 1. Vụ việc kéo dài gần 4 năm, đến nay ông Thái mới được gỡ phong tỏa tài sản trên.