Bắc Cực - “mỏ vàng” tài nguyên
Từng được coi là vùng nước gần như vô giá trị, Bắc Cực đang nổi lên như là một trong những vùng lãnh thổ quan trọng nhất thế giới do băng ở khu vực này sẽ tan chảy trong vài thập kỷ tới.
Vùng nước rộng gần 3 triệu km2 ở sát điểm cực và nằm giữa các vùng lãnh thổ của các quốc gia trên – được mệnh danh là “cái lỗ của chiếc bánh rán” Bắc Băng Dương – được coi là vùng biển quốc tế và do đó nằm ngoài quyền quản lý của các quốc gia Bắc Cực.
Trong bối cảnh băng ở Bắc Cực đang tan, vùng này được dự báo sẽ trở thành tâm điểm các cuộc tranh đua chiến lược và các hoạt động kinh tế. Năm ngoái, Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Iceland và điều một tàu phá băng tới vùng này bất chấp thực tế Bắc Kinh không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp gì ở Bắc Cực.
Bắc Cực có các nguồn tài nguyên có giá trị như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và hải sản. Mỹ ước tính Bắc Cực có trữ lượng lớn nguồn năng lượng của Trái Đất với khoảng 15% lượng dầu mỏ của thế giới (tính đến thời điểm hiện nay), khoảng gần 30% mỏ khí tự nhiên và khoảng 20% lượng khí hóa lỏng.
Bản đồ các mỏ dầu khí ở Bắc Cực: nốt chấm là các mỏ đang được khai thác, mảng màu xanh là các khu vực có triển vọng. |
Không giống như các vùng biển khác trên thế giới, Bắc Cực không chịu sự quản lý của một thỏa thuận pháp lý nào. Thay vào đó Hội đồng Bắc Cực bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ cùng nhau “cai quản” và đề ra chính sách cho khu vực này.
Tuy nhiên, Hội đồng Bắc Cực không có quyền điều hành thực tế. Hội đồng hoạt động với tư cách là nơi để các quốc gia trao đổi với nhau về chính sách và các hoạt động nghiên cứu; mỗi quốc gia được tự do thực thi các chính sách riêng trong khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực.
Theo một báo cáo của tổ chức Hội đồng Đối ngoại (CFR) ở New York (Mỹ), Bắc Cực có vai trò chiến lược quan trọng đối với 5 quốc gia nằm sát khu vực này gồm – Mỹ, Canada, Nga, Na Uy và Đan Mạch.
Xét về sự chuẩn bị cho “mỏ vàng” này, Mỹ đang đi sau các đối thủ tiềm năng.
Đi đầu trong cuộc khai thác là Nga, quốc gia đã đặt quốc kỳ ở đáy Bắc Băng Dương gần điểm cực Bắc vào năm 2007. Nước Nga, với 1/5 diện tích lãnh thổ nằm trong vành đai Bắc Cực, hiện là quốc gia có nhiều mỏ dầu được khai thác nhất trong khu vực.
Lợi thế của nước Nga và “Chiến tranh lạnh” mới ở Bắc Cực
Nhiều nhà quan sát “cho rằng Nga, nước hiện đang đầu tư hàng chục tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng ở phía bắc nước này, là “người chơi” lớn nhất ở Bắc Cực”.
Các hoạt động hàng hải qua Bắc Cực cũng đang trở nên quan trọng chưa từng có do băng tuyết tan và điện Kremlin đã xây dựng kế hoạch thu lợi từ sự thay đổi địa lý này.
Nga muốn tuyến hàng hải Biển Bắc sẽ trở thành đối thủ của Kênh đào Suez nối châu Âu và châu Á. Năm 2010, chỉ có 4 tàu đi lại trên tuyến Biển Bắc nhưng tới năm 2013, lưu lượng giao thông trên tuyến hàng hải này tăng lên 71 tàu. Khi được khai thác, tuyến Biển Bắc sẽ giúp tàu đi từ châu Âu sang châu Á chỉ trong vòng 35 ngày, so với 48 ngày nếu đi qua kênh đào Suez.
Với các nguồn tài nguyên đầy tiềm năng và giá trị thương mại lớn của Bắc Cực, các quốc gia đang thúc đẩy hiện diện quân sự ở khu vực này.
Sơ đồ lãnh thổ các quốc gia vùng Bắc Cực gồm Mỹ (đỏ), Canada (xám), Nga (xanh lá cây nhạt), Na Uy (xanh da trời) và Đan Mạch (xanh lá cây - xung quanh đảo Greenland). |
Trong nhiều năm qua, Na Uy đã thực thi các cuộc diễn tập có tên gọi “Diễn tập đáp trả giá lạnh”. Trong năm nay, cuộc tập trận quân sự này diễn ra với sự tham dự của hơn 16.000 binh sĩ từ 15 quốc gia thành viên NATO.
Theo Lộ trình về Bắc Cực của Mỹ, nước này sẽ thúc đẩy an ninh hải quân, tăng cường kinh nghiệm hoạt động tại môi trường Bắc Cực đồng thời củng cố năng lực và sự sẵn sàng của lực lượng hải quân Mỹ ở khu vực này. Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch thúc đẩy các hoạt động của lực lượng này sau khi tự nhận thấy “chưa chuẩn bị đầy đủ để tiến hành các hoạt động hàng hải bền vững ở Bắc Cực”.
Trong khi đó, Nga đang đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở hải quân ở bờ biển phía bắc nước này.
“Nga, quốc gia Bắc Cực duy nhất không thuộc khối NATO, coi việc xây dựng cơ sở quân sự ở Bắc Cực là ưu tiên chiến lược đồng thời tiến hành khôi phục các sân bay, cảng biển và thiết bị hải quân dẫn đường từ thời Liên Xô”, Hội đồng Đối ngoại cho hay.
“Vào cuối năm 2013, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo các quan chức quân đội chú ý đặc biệt tới khu Bắc Cực và cho rằng Nga cần “sử dụng mọi đòn bẩy để bảo vệ các lợi ích an ninh và lợi ích quốc gia ở khu vực đó. Ông Putin cũng chỉ thị thành lập một tư lệnh quân đội chiến lược mới cho lãnh thổ nước này thuộc Bắc Cực vào cuối năm 2014”, CFR này cho biết thêm.
Theo Hội đồng Đối ngoại, mặc dù hầu hết các chuyên gia đều bác bỏ khả năng giao tranh vũ trang ở Bắc Cực, “Một số nhà phân tích quốc phòng khẳng định rằng các cuộc tranh chấp chủ quyền và cuộc chạy đua về tài nguyên sẽ đẩy Bắc Cực vào cuộc Chiến tranh lạnh mới”.