Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết trên báo Phụ nữ TP.HCM, sáng nay bà mới nghe được thông tin này và đang phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TPHCM vào cuộc xác minh các vấn đề liên quan đến nội dung thông tin đăng tải từ nhóm "bác sĩ Khoa".
Hình ảnh trên trang cá nhân được cho là của bác sĩ Khoa. Ảnh Facebook. |
Chỉ sau ít giờ đăng tải, bài viết đã có hơn 3569 lượt chia sẻ. |
Sáng 8/8, TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trả lời trên Tiền Phong cho biết, không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. “Ở bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức qua rà soát cũng không có trường hợp nào như thông tin phản ánh, không có ai rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ cả”- bác sĩ Thức khẳng định.
Theo bác sĩ Thức, đến nay Việt Nam chưa có luật cho bác sĩ hoặc người thân tự rút ống thở bệnh nhân. “Nếu rút ống thở phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định nhưng điều này chưa có quy định ở Việt Nam”- bác sĩ Thức nói với Tiền Phong.
Về hình ảnh bác sĩ mổ bắt con được cho là của Facebook tự xưng bác sĩ Khoa trên mạng xã hội là của ca mổ do bác sĩ Cao Hữu Thịnh thực hiện. Bác sĩ Thịnh khẳng định đó là hình ảnh của ông mổ cho một sản phụ vào ngày 21/7 và một tấm hình mổ cho sản phụ vào ngày 1/4.
“Tôi không hiểu sao hình trên Facebook cá nhân của mình lại lấy để gán ghép cho những thông tin sai sự thật là bác sĩ Khoa nào đó rút ống thở để cho sản phụ thở và giúp bác sĩ mổ bắt con thành công. Đây là thông tin bịa đặt vô đạo đức”- bác sĩ Thịnh nói trên báo Người Lao Động.
Hiện, công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra xác minh thông tin "bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu người", các trường hợp đưa tin giả, tin không chính xác lên mạng xã hội sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng, nhất là các thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Nguồn: HNTV