Theo nghiên cứu trên, axít hóa đại dương có khả năng khuếch đại tác động của biến đổi khí hậu, giảm khả năng hấp thụ carbon dioxide (CO2) của đại dương, cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh vật biển, mặc dù mức độ tác động khác nhau trên từng loài. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo mặc dù một số loài dù không chịu tác động trực tiếp từ axít hóa đại dương cũng sẽ không thể tránh được tác động gián tiếp từ những xáo động trong chuỗi thực phẩm hay thay đổi môi trường sống. Cuối cùng, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác biển của con người, từ đánh bắt cá cho tới các giá trị văn hóa và giải trí.
Các đại dương trên Trái Đất đang axít hóa với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Nguồn: phys.org |
Axít hóa đại dương là hiện tượng CO2 hấp thụ vào trong nước biển. Quá trình này giúp giảm tốc độ của biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng mặt khác cũng ảnh hưởng tới sự sống trong lòng đại dương, cũng như các hoạt động phụ thuộc vào biển.
Theo phóng viên TTXVN, Giáo sư Ulf Riebesell đến từ Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz đặt tại thành phố Kiel, cũng là người đứng đầu dự án BIOACID, cho biết trong giai đoạn 2004-2013, đại dương đã hấp thụ trung bình khoảng 25% tổng lượng CO2 thải ra môi trường từ hoạt động của con người. Giới khoa học ước tính con số này trong năm 2016 có thể lên tới 36,4 Gigaton (Gt) CO2, tương đương 9,8 Gt than đá (carbon).
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM VIDEO: Hố xanh bí ẩn giữa lòng đại dương
Ông Riebesell cho biết khối lượng carbon này đủ để che phủ khoảng cách tương đương 48 lần chu vi Trái Đất hay 4,9 lần khoảng cách từ Trái Đất lên Mặt Trăng. Kéo theo đó, nồng độ pH trung bình đo được trên bề mặt đại dương tính từ năm 1850 đã giảm từ 8,2 xuống 8,1. Mức giảm 0,1 này tương đương nồng độ axít tăng 30%, là mức tăng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Trái Đất.
Nghiên cứu kết luận mức độ đe dọa từ axít đại dương hiện vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ và khuyến cáo các chính phủ và giới hoạch định nên sớm có hành động để ngăn chặn các hiểm họa tiềm tang đối với môi trường và nhân loại. tăng tương tác giữa doanh nghiệp, chính trị và xã hội để xây dựng lối sống và nền kinh tế bền vững; đẩy mạnh việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
BIOACID là dự án nghiên cứu suốt 8 năm (2009-2017) do Chính phủ Đức tài trợ và do Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz điều phối nhằm đánh giá đúng mức hơn về các tác động của axít hóa đại dương. Hơn 250 chuyên gia đến từ 20 viện nghiên cứu của Đức đã đánh giá tác động của axít hóa đại dương đối với sinh vật biển, những tác động tới chuỗi thực phẩm, cũng như ảnh hưởng đối với các nền kinh tế và xã hội. Các nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực địa tại các vùng Biển Bắc, Biển Baltic, Bắc Cực và Papua New Guinea.