Dựa theo tính chất của từng hãng mà những kẻ làm ăn chụp giật có những hành vi chiêu thức lừa đảo tinh vi khác nhau.
Sự cố nhiều du học sinh Việt ở Úc bị lừa mua vé máy bay tết một lần nữa cảnh báo tình trạng lừa bán vé máy bay, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Hai du học sinh Việt Nam đang theo học ở Sydney đã mua vé máy bay từ một cá nhân tên Vi Tran trên facebook qua giới thiệu của bạn bè. Trả hết số tiền 1.140 AUD nhưng khi về đến Sài Gòn, kiểm tra chiều quay lại Sydney qua tổng đại lý vé của hãng máy bay, du học sinh này mới biết mình bị lừa, khi mã vé chưa được xuất. Mã vé đó được đặt qua mạng, nhưng bị hủy do trong vòng 12 giờ sau khi đặt không thanh toán. Với “chiêu” tương tự, Vi Tran cũng đã lừa lấy 5.000 AUD của một du học sinh khác và “biến mất”. Nhiều du học sinh “khóc dở” vì đã thanh toán hết tiền nhưng cầm trong tay mã vé máy bay không có giá trị.
VOV đưa tin, hiện nay có 3 hãng máy bay chặng nội địa phục vụ tết là Vietnam Airlines, VietJet và Jetstar Pacific.
Dựa theo tính chất của từng hãng mà những kẻ làm ăn chụp giật có những hành vi chiêu thức lừa đảo tinh vi khác nhau.
|
Dựa theo tính chất của từng hãng mà những kẻ làm ăn chụp giật có những hành vi chiêu thức lừa đảo tinh vi khác nhau. (Ảnh minh họa). |
Với Vietnam Airlines, do điều kiện vé có thể hoàn nên khi nhận thông tin từ khách hàng, đối tượng sẽ tiến hành mua và xuất vé cho khách, thậm chí có thể giao vé tận nhà để lấy lòng tin từ khách hàng. Khách hàng kiểm tra thấy đúng mã đặt chỗ nhưng sau đó kẻ gian sẽ tiến hành làm thủ tục hoàn vé.
Với hãng VietJet hay Jetstar Pacific điều kiện vé là không hoàn nên đối tượng đã sử dụng chiêu thức đổi tên. Tương tự như trên, đối tượng cung cấp cho khách hàng một mã đặt chỗ với thời gian, tên họ và hành trình đều chính xác. Nhưng đến ngày đi khách không đi được là do đã bị đổi tên và bán cho một khách hàng khác.
Do vậy dù khách hàng đã kiểm tra với hãng về tình trạng chỗ và nhận được câu trả lời xác nhận ngay tại thời điểm mua vé, nhưng nhất là trong dịp tết, nhu cầu vé cao, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện hành vi hoàn vé hay đổi tên vào khoảng thời gian sau ngày bán từ 3 - 7 ngày.
Trao đổi trên báo Phụ nữ, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, hình thức phổ biến là các đối tượng rao bán vé máy bay trên internet với giá rẻ hơn so với giá của hãng để thu hút người mua.
Tuy nhiên, giá vé, vé còn hay hết, đều được thông tin rõ ràng trên website của hãng, toàn hệ thống đại lý chính thức của hãng đều nắm được. Để tránh bị lừa, NTD nên vào trang web chính thức của hãng hoặc đến đại lý chính thức mua vé.
Đã có nhiều trường hợp NTD mua vé máy bay ở những địa chỉ không rõ ràng hoặc từ các đối tượng qua lời chào mời hấp dẫn mà không biết rõ họ là ai. Người mua vẫn nhận được thông tin về lịch trình bay, nhưng không phải là vé máy bay, mà các đối tượng copy form mẫu.
Vé điện tử khi mua qua trang web chính thức, hãng sẽ gửi trực tiếp đến email của khách hàng. Trường hợp khác là các đối tượng ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, mua vé rồi bán giá rẻ cho khách. Khi đó, khách mua vé cũng có mã đặt chỗ, nhưng sau đó các đối tượng thu hồi lại tiền, vé máy bay lúc này không có giá trị nữa.
Với chiêu thức này, một vé máy bay, các đối tượng lừa đảo có thể mua rồi bán lại cho nhiều khách. Jetstar Pacific khuyến cáo, nếu có nghi ngờ, cách nhanh nhất là NTD gọi về tổng đài của hãng (19001550) để kiểm tra thông tin về tình trạng vé.
Đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho rằng khi đặt mua vé, hành khách cần cung cấp đầy đủ và chính xác email, số điện thoại di động, để hãng cập nhật các thông tin về chuyến bay tới khách hàng.
Đối với vé mua tại các đại lý, sau khi mua, hành khách nên kiểm tra lại tại mục “Thông tin chuyến bay” trên website của hãng. Tại đây, hành khách kiểm tra code vé, tra cứu thông tin đầy đủ và chính xác về chặng bay, giờ bay và hình thức thanh toán. Hành khách cũng có thể liên hệ tổng đài 19001886, các phòng vé của hãng để kiểm tra tình trạng vé.
Vietnam Airlines (VNA) cũng khuyến cáo khách hàng chỉ nên mua vé máy bay chính hãng qua ba kênh: website của hãng, phòng vé VNA và đại lý chính thức của hãng.
Danh sách đại lý chính thức được cập nhật trên website của hãng với đầy đủ thông tin địa chỉ, số điện thoại. Ngoài ra, vào mùa cao điểm tết, mật độ di chuyển tại sân bay khá đông đúc, các hã ng khuyến cáo hành khách nên lưu ý đi sớm và cẩn thận vì dễ nhầm lẫn giữa ngày dương lịch và âm lịch trong các chuyến bay mùa tết.
Phòng vé cũng có thể là giả vì đã có trường hợp phòng vé lập ra chỉ để bán vé tết và sau đó biến mất… không dấu vết.
Người mua vé máy bay cần phải tự bảo vệ chính mình. Thứ nhất, là tự mình đặt vé và trang bị các kiến thức về đặt vé trên các website chính thức của các hãng. Thứ hai, là đặt vé qua các đại lý, phải “chọn mặt gửi vàng”.
Nên chọn những đại lý chính thức được các hãng hàng không xác nhận ủy quyền (thường công bố danh sách trên website hãng hàng không), hoặc các hãng lữ hành lớn có phòng vé riêng uy tín và hoạt động lâu năm nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm với khách hàng.