Theo lộ trình của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơ quan này có thể sẽ tiếp tục đợt tăng lãi suất vào tháng 12/2022; theo đó, ghi nhận đợt tăng lãi suất lần thứ 6 trong năm. Tuy nhiên, đợt tăng lãi suất này có thể sẽ nhẹ hơn 3 lần gần đây với mức tăng dự kiến 50 điểm cơ bản.
Trước đó, sau nhiều đợt tăng lãi suất của Fed, diễn biến lãi suất trong nước cũng buộc phải “tăng nhiệt” theo để phù hợp với bối cảnh chung của tình hình tài chính quốc tế.
Tỷ giá và lãi suất tác động như thế nào đền doanh nghiệp? |
Trước hết, lãi suất tăng cao sẽ là một động lực tăng trưởng lợi nhuận quan trọng cho ngành bảo hiểm trong 2023.
So với giai đoạn 2020-2021, lợi suất đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm đi trong 9 tháng 2022 do thị trường chứng khoán lao dốc và lãi suất huy động không tăng đáng kể cho đến tháng 9/10 sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản.
Điểm sáng là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân hiện đã tăng trung bình 190 điểm cơ bản và 275 điểm cơ bản so với đầu năm.
Do đó, từ quý 4 trở đi, VNDirect kỳ vọng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bắt đầu đạt được lợi suất đầu tư tốt hơn do phần lớn danh mục đầu tư nằm ở tiền gửi ngân hàng/trái phiếu doanh nghiệp (chủ yếu với lãi suất thả nổi).
Với ngành dầu khí, VNDirect nhận thấy tác động trái chiều của môi trường lãi suất tăng lên các doanh nghiệp dầu khí. Đối với doanh nghiệp có số dư tiền mặt ròng dồi dào và hệ số nợ/VCSH thấp, VNDirect cho rằng môi trường lãi suất tăng có thể sẽ mang lại lợi ích trong ngắn hạn, hỗ trợ cho kết quả kinh doanh.
Mức độ ảnh hưởng của đà tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng đóng góp của thu nhập lãi thuần, qua đó, PVS và OIL sẽ được hưởng lợi chính.
Ngược lại, doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao (như PVD, PVT và PVC) sẽ gặp khó khăn khi lãi suất tăng. Đặc biệt, PVD sẽ chịu áp lực lớn từ lãi suất tăng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi phục hồi chậm.
Tỷ lệ đòn bẩy của nhóm ngành dầu khí. |
Còn về rủi ro tỷ giá, vì hầu hết các sản phẩm đều được tính theo đồng USD, doanh thu của các doanh nghiệp này sẽ tăng cùng chiều với đồng USD. Điều này có thể bù đắp cho các khoản lỗ tỷ giá do đánh giá lại khoản vay nợ bằng USD cho vốn lưu động. Do đó, có rất ít rủi ro cho việc đồng USD tăng giá đối với GAS, PVS và BSR.
Mặt khác, doanh nghiệp hạ nguồn như PLX, OIL sẽ đối mặt với rủi ro từ việc đồng USD mạnh lên do giá xăng dầu đầu vào được neo theo đồng USD trong khi giá bán sản phẩm tính theo đồng VND. Bên cạnh đó, các công ty có tỷ trọng nợ vay USD cao như PVD và PVT sẽ gặp rủi ro lỗ tỷ giá cao hơn khi đồng USD tăng giá.
Ở nhóm ngành xuất khẩu ròng và không nợ có vay USD như DGC và GIL sẽ được hưởng lợi từ việc đồng USD mạnh hơn. Trong khi các doanh nghiệp có tỷ trọng nợ USD cao như PTB, MSH, STK sẽ chịu lỗ tỷ giá vào năm 2023.
Về vấn đề lãi suất, doanh nghiệp có tiền mặt ròng dương và tỷ lệ nợ ròng/VCSH thấp như DGC, ACG, VIF có khả năng được hưởng lợi do thu nhập từ lãi cao hơn. Trong khi lãi ròng của VGT, TNG, PTB sẽ bị ảnh hưởng bởi phải trả nhiều lãi vay hơn trong năm 2023.
Với nhóm cảng biển, vận tải biển, các công ty có vị thế tiền mặt ròng và tỷ lệ nợ ròng/VCSH thấp bao gồm VNA, PHP, VSC, MVN, SGP, VOS sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng trong thời gian tới, trong đó PHP là doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất dựa trên tỷ lệ của thu nhập lãi thuần trên lợi nhuận trước thuế 9 tháng.
Nhóm cảng biển phân hoá về tỷ lệ đòn bẩy. |
Ngược lại, HAH và GMD có thể bị ảnh hưởng từ môi trường lãi suất tăng do các công ty này có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao để đầu tư cho kế hoạch mở rộng công suất.
Việc đồng USD tăng mạnh cũng có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch mở rộng công suất mới vay bằng USD trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các công ty vận tải biển như HAH và MVN hiện có mức độ rủi ro cao với các khoản nợ dựa trên USD và có thể gặp khó khăn trong môi trường USD mạnh.
Tuy nhiên, do các hãng vận tải này có một phần doanh thu tính bằng USD nên phần nào có thể bù đắp được chi phí tài chính gia tăng do lỗ tỷ giá khi USD tăng giá trong thời gian tới.
Hàng không gặp rủi ro vì đều tài trợ đội bay bằng USD. |
Với đặc thù nhóm hàng không đều thâm dụng vốn, tài trợ cho đội bay bằng USD khi tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, những khó khăn mà các hãng hàng không phải đối mặt bao gồm:
Lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD. Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (tính bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay của các hãng hàng không khó khăn hơn. Tuy nhiên, những khó khăn này phần nào được giảm bớt khi các hãng hàng không có nguồn thu từ USD khi bán vé quốc tế.
Lãi suất tăng trong khi lãi suất tài trợ cho đội bay hiện tại thường cố định nên chi phí lãi vay không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai.
Một nhóm ngành cũng khá lao đao khi lãi vay và tỷ giá tăng là ngành thép. Tất cả các công ty thép tại cuối quý 3 đều đang ở vị thế nợ vay ròng, do đó, chi phí lãi vay sẽ tăng trong môi trường lãi suất cao hơn.
Hầu như nhóm thép đều nợ vay cao. |
Tại thời điểm cuối quý 3, HPG đang có nợ vay ròng cao nhất toàn ngành với 26.589 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ Nợ vay ròng/VCSH ở mức thấp nhất, chỉ 0,27 lần. HSG và NKG cũng đang tích cực giảm các khoản nợ vay và tỷ lệ Nợ vay ròng/ VCSH đang nằm trong khoảng 0,35-0,75 lần.
VNDirect lưu ý rằng các khoản vay của các công ty thép phần lớn là ngắn hạn nhằm phục vụ tài trợ vốn lưu động. Với nỗ lực giảm giá lượng hàng tồn kho trong quý 4, VNDirect cho rằng nợ vay ròng của các công ty thép sẽ tục giảm hơn nữa trong các quý tới.