Sáng 16/6, đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) đã thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 7,636 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE.
Vì sao tỷ lệ nợ xấu dưới 2% mà không phải 1%?
Năm 2020, ACB lên kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 7,636 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so năm 2019.
Tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tín dụng tăng 11.75%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%.
Các khoản vay mới giải ngân thấp hơn 1% so với mặt bằng cho vay chung để giữ mối quan hệ với khách hàng. Các tháng vừa qua, tín dụng của ACB đã tăng trưởng. Cuối tháng 5 và 6, ACB tăng 4% tín dụng, mục tiêu cả năm là 11%.
ACB sẽ cơ cấu lại danh mục cho vay để đảm bảo mảng cá nhân hỗ trợ lại mảng doanh nghiệp, tập trung phát triển tín dụng bán lẻ.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của ACB diễn ra sáng 16/6 tại TPHCM |
Tăng trưởng tín dụng hiện tại của ACB xấp xỉ 4%, cùng kỳ năm trước là 8%. Tăng trưởng tín dụng năm nay chậm hơn mọi năm, tổng thu nhập từ hoạt động của ACB giảm hơn 30 điểm phần trăm.
Tổng quy mô cơ cấu nợ của ACB không quá 15,000 tỷ đồng. Những khoản này chỉ là chậm thu, trong quý 4/2020 hoặc quý 1/2021 sẽ thu nhập trở lại. Đây chỉ là dự báo trước mắt, và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Nói về tình hình xử lý nợ nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên, ông Toàn cho biết, hiện nay, nợ tại ACB của nhóm này là 806 tỷ đồng gồm trái phiếu, khoản phải thu, nợ gốc và hơn 1,000 tỷ đồng lãi.
Tài sản đảm bảo 806 tỷ đồng có khả năng thu hồi nợ trong thời gian tới và đã trích lập dự phòng 100%. Nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng.
Nếu muốn bán tài sản này phải có người mua phù hợp, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc sự hợp tác của các bên liên quan. Có thể mất 2 năm để thu hồi các khoản nợ này trong năm 2020 và 2021.
Về mặt hiệu quả, ACB bán được bao nhiêu thì có lời bấy nhiêu, ngoại trừ hiệu quả sinh lời hiện tại ACB đang có.
ACB dự kiến tăng vốn điều lệ năm 2020 từ chia cổ tức bằng cổ phần phổ thông cho cổ đông với tỷ lệ 30%. Vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm hơn 4,988 tỷ đồng, nâng từ mức 16,627 tỷ đồng lên gần 21,616 tỷ đồng. Việc tăng vốn dự kiến hoàn thành trong quý 4/2020.
Mục đích của đợt tăng vốn này nhằm gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng, đầu tư vào các dự án chiến lược 2019-2024…
Vì nhu cầu đa dạng hóa kênh huy động vốn, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoại tệ trong nước, bổ sung nguồn vốn cấp 2 và tăng tỷ lệ vốn trung dài hạn để cho vay, ACB sẽ chào bán trái phiếu ra nước ngoài. Theo đó, số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng, với kỳ hạn trung - dài hạn bằng đồng USD. Thời gian dự kiến phát hành từ năm 2020, lãi suất theo thị trường tại thời điểm phát hành.
Cổ đông ACB cũng thông qua việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). ACB sẽ cố gắng hoàn thành việc chuyển sàn trong năm 2020.