Người Châu Á thường có câu "hổ dữ không ăn thịt con" để chỉ về việc người mẹ sẽ không làm hại con, thay vào đó luôn bảo vệ con mình trong bất cứ trường hợp nào. Nhưng sự việc “ác mẫu” Đài Loan mang con trai 15 tuổi sang Cà Mau rồi bỏ rơi lại không đúng với những giá trị đạo đức của người Châu Á từ ngàn đời nay.
Hành động này khiến mọi người xót xa cho cậu bé, đồng thời lên án hành vi nhẫn tâm của bà mẹ dành cho con mình.
Cậu bé Wang Yuan 15 tuổi, người Đài Loan bị mẹ bỏ rơi ở Cà Mau. |
Theo đó, ngày 31/5, nhiều người ở Bệnh viện đa khoa Cà Mau đã hoảng hốt khi phát hiện một cậu bé người nước ngoài ngất xỉu ngoài hành lang của bệnh viện. Dù không có giấy tờ tùy thân, người bảo trợ bên cạnh, các bác sĩ vẫn nhiệt tình chăm sóc, đưa vào điều trị cấp cứu.
Sau khi sức khỏe cháu bé ổn định, bệnh viện xác định bệnh nhân tên Wang Yuan, 15 tuổi, người Đài Loan.
Qua điều trị, bác sĩ chẩn đoán Wang Yuan bị hen phế quản bội nhiễm. Trên tay cậu bé 15 tuổi người Đài Loan này đã được gắn catheter, một dụng cụ tiêm vào tĩnh mạch để truyền nước, thuốc vào cơ thể người bệnh.
Khai thác tiền sử, Wang Yuan đã nhập cảnh vào Việt Nam hơn một năm. Trước đây cậu bé có tiền sử bệnh hen phế quản, đang được điều trị. Nhưng vì lý do nào đó, mẹ của cậu bé đã dẫn từ TP.HCM đến Bệnh viện đa khoa Cà Mau và bỏ cậu bé một mình lại nơi đây.
Sau hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện, đến nay, cậu bé Wang Yuan đã có sức khỏe tốt, vẫn đang ở khoa Hô hấp của bệnh viện.
Để cậu bé được chăm sóc, nuôi dưỡng sau khi kết thúc điều trị, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã báo cáo Sở Y tế Cà Mau. Sở này cũng đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau đề nghị xem xét, tiếp nhận bệnh nhân Wang Yuan vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau.
Đồng thời, Sở Y tế cũng đề nghị Công an tỉnh Cà Mau thẩm tra, xác minh lai lịch của bệnh nhân trên để giúp việc lập hồ sơ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau, đơn vị này đã tiến hành các biện pháp thẩm tra, xác minh về thân nhân, lai lịch đối với bệnh nhân này, nhưng đến nay, chưa đủ thông tin để kết luận về nhân thân, lai lịch.
Trao đổi cùng Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng luật sư Vũ Lợi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cùng đội ngũ bác sĩ , Sở Y tế đã rất tận tâm và rất đúng. Họ làm đúng lời thề Hippocrates và lương tâm của mình.
Đồng thời, cũng cần đề cao vai trò của cơ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban ngành của Cà Mau vì đã đồng ý, sẵn sàng đón cậu bé vào Trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc cho đến khi có thay đổi khác.
Đối với cơ quan công an, họ cần tìm mẹ của cháu bé là ai, cháu nhập cảnh theo đường nào… sau đó liên hệ với Đại sứ quán Đài Loan để thông báo công dân của nước họ đang bị bỏ rơi, bị đi lạc và trao trả cho nước bạn.
Ở góc độ luật pháp đối với hành vi bỏ rơi con, luật sư Nguyễn Hồng Giang, nếu tìm được người mẹ của cháu bé có thể quy trách nhiệm. Nếu là người Đài Loan, cơ quan chức năng nước ta có thể báo cáo với Đại diện nước họ để có phương án xử lý phù hợp.
Trường hợp, mẹ cậu bé là công dân Việt Nam thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi của mình. Theo đó, nếu các Cơ quan chức năng làm rõ được hành vi của người mẹ có thể áp dụng Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 ngày 15/6/2004.
Hiện cơ quan chức năng đang truy tìm danh tính người mẹ Đài Loan bỏ rơi con trai 15 tuổi ở bệnh viện Cà Mau.
>>> Mời bạn đọc xem thêm video: Trẻ em Mỹ muốn điên khi thử dùng máy tính cổ