AC-119K: Đối thủ nguy hiểm nhất với bộ đội Trường Sơn
(Kiến Thức) - Trong chiến tranh Việt Nam, máy bay cường kích AC-119K đã gây nhiều thiệt hại đáng kể tới bộ đội vận tải trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn.
Máy bay cường kích AC-119K được phát triển dưới tên dự án Gunship III. Nó là bản phát triển hơn nữa của AC-47 (cải tiến trên cơ sở vận tải C-47) và dự án Gunship II chuyển đổi từ máy bay vận tải hạng trung C-130 Hercules. Ban đầu dự án có một khởi đầu khó khăn trong năm 1964 nhưng sau đó nó đã chứng minh rất hiệu quả trong vai trò hỗ trợ trên không.
Nhất là đến năm 1967, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam bước vào giai đoạn mới với dòng vận tải lương thực đạn dược từ miền bắc Việt Nam đổ vào miền Nam qua đường Trường Sơn ngày càng mãnh liệt.
Theo các tài liệu Mỹ, chiếc AC-47 Spooky tuy tốt nhưng không phù hợp để đối phó với làn sóng vận tải của miền Bắc Việt Nam đang diễn ra. Ngày đầu, những khẩu súng cỡ nhỏ của máy bay không thể đủ áp lực để bắt các chiến sĩ vận tải đường Trường Sơn phải chùn bước. Do đó, Không quân Mỹ đã triển khai loại máy bay AC-119K được trang bị thiết bị đặc biệt để đi săn tìm các xe tải trên đường Trường Sơn cả ngày và đêm.
|
Một chiếc AC-119 Stinger đang bắn trong một cuộc tấn công vào đoàn vận tải của Việt Nam trên đường Trường Sơn đầu năm 1970. |
Nói chung AC-47 thiếu tầm bay, tốc độ bay cũng như các loại vũ khí và thiết bị dò tìm để phát hiện các xe tải ngụy trang. Trang bị của nó chủ yếu có từ thời Thế chiến II thích hợp với những việc đơn giản chứ không đủ đáp ứng nhiệm vụ “phong tỏa đường Trường Sơn”.
Bên cạnh đó, dự án Gunship II, tức là chuyển đổi chiếc C-130 Hercules, cũng được đưa vào sử dụng ngay sau đó nhưng do nó vẫn là một chiếc lưỡng dụng, tức là có thể biến thành chiếc máy bay chở hàng nếu muốn nên nó còn rất nhiều hạn chế. Sau đó, C-119 được xem là lựa chọn tốt nhất tiếp theo.
|
Hai cụm pháo 6 nòng trên chiếc AC-119K. |
Máy bay AC-119K sau khi được cải tiến cho mục đích săn xe vận tải có nhiều thiết bị hiện đại hơn chẳng hạn: radar Doppler định vị AN/ APN-147, AN/AAD-4 nhìn bằng hồng ngoại, radar phụ AN/APQ-133 và radar tìm kiếm APQ-136. Thời nay các thiết bị điện tử được sử dụng ở bất kỳ máy bay chiến đấu chủ lực nào nhưng cuối những năm 1960, đây là tất cả những thứ tiên tiến nhất.
|
Thân chiếc AC-119K, hàng trên có 4 khẩu súng 4 nòng cỡ 7,62mm loại GAU bắn với tốc độ 1500 viên/phút. Hàng dưới là 2 khẩu pháo M61 Vulcan cỡ 20mm. Mỗi khẩu có 6 nòng. Loại pháo này chỉ áp dụng cho phiên bản AC-119K. |
Nó cũng có phương tiện tìm kiếm rất mạnh mẽ với một đèn Xenon công suất 20 kw, phát ánh sáng tương đương 1,5 triệu ngọn nến. Khi đèn này được bật, nó có thể chiếu sáng một vùng rộng bằng cái sân bóng đá. Nó rất lợi hại để phát hiện các xe vận tải được giấu dưới tán cây rừng nhưng nó cũng quá nguy hiểm cho máy bay bởi vì những người dưới mặt đất có thể ngắm bắn vào máy bay dựa vào bóng đèn này.
|
AC-119K nhìn từ đằng trước. |
Lần đầu tiên phiên bản AC-119K Stinger bay là tháng 12/1969 với Phi đội hành động đặc biệt số 18. Trong khi AC-119G bị dừng hoạt động từ năm 1971, vẫn có một số lượng hạn chế AC-119K hoạt động vào khoảng cuối mùa thu năm 1972. Nhưng ngay sau đó tất cả AC-119 cũng bị loại bỏ khỏi hoạt động của lực lượng Mỹ.
Chỉ có một số chiếc trong số các AC-119K còn tiếp tục bay trong lực lượng của Việt Nam Cộng hòa cho đến năm 1975. Sau đó, KQND Việt Nam lại tiếp tục sử dụng số AC-119K còn lại để chống quân Khmer Đỏ.
Trong quá trình phục vụ, có 5 chiếc AC-119K đã bị rơi vì nhiều nguyên nhân. Không quân Mỹ khi đó cho rằng, đó là một cái giá chấp nhận được cho một chiếc máy bay tương đối chậm và bay thấp mà bước vào khu vực chiến đấu rất nhiều lần.
Mặt khác, vào giai đoạn cuối của chiến tranh, lực lượng bộ đội miền Bắc Việt Nam cũng đã được trang bị các vũ khí rất tốt để chống lại các phương tiện trên không (gồm cả tên lửa SAM-2 lợi hại).