Không những vậy, 1% những người giàu nhất trong số này cũng sở hữu phần lớn tài sản của nhóm – một cột mốc quan trọng của năm 2015, sớm hơn 1 năm so với dự đoán của Oxfam.
62 người giàu nhất thế giới có số tài sản tương đương của 3,5 tỷ người trên toàn cầu. (Ảnh: Oxam International) |
Báo cáo trên được dựa trên danh sách tỷ phú thường niên của Forbes và số liệu về tài sản toàn cầu trong Credit Suise’s Global Wealth Databook. Theo đó, chỉ từ năm 2010 tới nay, số tài sản ròng của 62 tỷ phú hàng đầu này đã tăng hơn 500 tỷ USD, trong khi một nửa số tài sản còn lại của 3,6 tỷ dân số thế giới lại bị giảm tới 1 nghìn tỷ USD.
“Sự giàu có đang chuyển dời nhanh chóng và tập trung tại đỉnh kim tự tháp” – Gawain Kripke, giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Oxfam America cho biết.
Chênh lệch thu nhập giữa người giàu nhất và nghèo nhất cũng đang gia tăng. Những người nghèo nhất chiếm 20% dân số thế giới – những người sống dưới mức cực nghèo có thu nhập dưới 1,9 USD/ngày và mức thu nhập này hầu như không đổi từ năm 1988 tới 2011. Trong khi đó thu nhập của những người giàu nhất - 10% dân số tăng tới 46%.
Một báo cáo khác được trung tâm nghiên cứu Pew Research Center công bố năm ngoái cho thấy số người nghèo trên thế giới đã giảm gần một nửa trong thập kỷ qua. Tuy nhiên vẫn còn 71% dân số thế giới có mức thu nhập thấp hoặc nghèo với mức sống dưới 10 USD/ngày.
Trong khi đó tầng lớp trung lưu tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, lên tới 13% trong năm 2011. Nhưng đây vẫn chỉ là một bộ phận nhỏ so với dân số toàn cầu.
Trước tình trạng bất bình đẳng ngày một gia tăng, Oxfam kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu kiểm soát chặt việc đánh thuế bởi theo ước tính của tổ chức này nhóm những tỷ phú đã “trốn” khoảng 7,6 nghìn tỷ USD tiền thuế.
Ngoài ra Oxfam cũng đề nghị trả một mức lương đủ sống cho người lao động cũng như bảo vệ quyền lợi của công nhân; xóa bỏ khoảng cách giới tính trong việc trả lương và tăng thêm quyền lợi cho phụ nữ; giảm thiểu quyền lực của những doanh nghiệp lớn cũng như hạn chế việc vận động hành lang trong chính phủ; chuyển gánh nặng thuế từ người lao động và người tiêu dùng sang những người giàu có và sử dụng chi tiêu công để giải quyết vấn đề bất bình đẳng.