Gần đây nhất, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị 1 bệnh nhân nữ (59 tuổi, ở Hà Nội) bị sốc nhiễm khuẩn với biểu hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng liên tục, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân.
Sang ngày thứ 2, người bệnh tiếp tục xuất hiện nhiều mảng tím đen trên da vùng mặt. Bệnh nhân được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân, xét nghiệm khí máu toan chuyển hóa nặng, cấy máu dịch não tủy phát hiện khuẩn S.suis (liên cầu lợn).
Ngay sau đó, nữ bệnh nhân này được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng phải thở oxy và được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do liên cầu lợn.
Cơ thể người nhiễm liên cầu khuẩn xuất hiện mảng tím đen. (Ảnh: BVCC)
Các đó không lâu, các bác sĩ tại bệnh viện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TWQĐ 108) cũng đã tiếp nhận bệnh nhân tên M.T (45 tuổi), vào viện ngày thứ 3 của bệnh với biểu hiện đau bụng quanh rốn, buồn nôn và nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần (khoảng 10 lần/ngày) kèm theo sốt cao, có gai rét, có cơn rét run, hoa mắt chóng mặt. Anh T được người nhà đưa đến cấp cứu, được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm cơ tim, suy gan, suy thận và rối loạn đông máu nặng.
Các xét nghiệm khẳng định bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Khai thác tiền sử trước đó, anh T có ăn tiết canh và thịt lợn.
Làm gì để không mắc bệnh liên cầu khuẩn
Để tránh mắc bệnh, những người chăn nuôi và giết mổ, chế biến thịt lợn cần nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khi tiếp xúc, giết mổ chế biến thịt lợn như mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, đeo găng tay; thường xuyên phun khử khuẩn chuồng trại, nơi giết mổ.
Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng đúng cách theo qui định.
Nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y. Tất cả mọi người cần đeo găng tay khi chế biến sản phẩm sống từ lợn, nhất là khi có vết thương ở tay; rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi chế biến các sản phẩm từ lợn; dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín; luôn ăn thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh. Tuyệt đối không ăn tiết canh lợn, thịt lợn sống, thịt lợn tái chưa nấu chín kỹ.
Lòng lợn nên ăn bao nhiêu là đủ?
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, người lớn chỉ ăn khoảng 50 - 70 g lòng lợn cho 1 lần và 1 tuần chỉ nên ăn 1 - 2 lần, với trẻ nhỏ thì chỉ 30 - 50 g cho 1 lần ăn.
Lòng lợn dù được làm sạch tới đâu vẫn là những bộ phận nội tạng, có nguy cơ chứa mầm bệnh và nhiều vi khuẩn, chưa kể chứa nhiều cholesterol xấu, vì vậy mặc dù là lòng lợn sạch thì cũng không nên ăn quá nhiều, sẽ không thực sự tốt cho sức khỏe.
Ảnh minh họa
4 nhóm người 'đại kỵ' với lòng lợn
Người bị cảm, mệt mỏi
Lòng lợn có rất nhiều cholesterol khó tiêu hóa. Chúng có chứa nhiều bệnh tồn tại trong nội tạng của con vật. Những bệnh này có thể lây sang người ăn. Bởi thế, khi bị cảm hoặc mệt mỏi, không nên ăn cháo lòng, lòng lợn vì khó tiêu và không đảm bảo vệ sinh.
Người có đường tiêu hóa kém
Một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Đặc biệt, những người có đường tiêu hóa kém ăn phải cháo lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hay ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến thì có thể phải đối mặt với các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu…, các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người.
Người béo phì hoặc mắc các bệnh tim mạch
Trong nội tạng có nhiều chất đạm nhưng nó cũng chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao, nhất là trong óc, gan và cật lợn.
Đối với những người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholestetol máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gout, thừa cân, béo phì… cần kiêng tuyệt đối phải kiêng ăn cháo lòng từ nội tạng gia súc.
Phụ nữ mang thai
Các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người.
Đặc biệt, nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis, kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh, trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn. Khi ăn các sản phẩm từ lợn này như tiết canh, lòng, nem chua, cháo lòng… chưa được nấu chín, liên cầu khuẩn từ thức ăn đó sẽ xâm nhập vào cơ thể người và gây bệnh.