CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh về việc một số ngân hàng đã khởi kiện công ty con của BSR liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán.
Cụ thể, trong năm 2021, các ngân hàng gồm Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) cấp tín dụng cho CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF, công ty con) lên Tòa án Nhân dân TP Quảng Ngãi liên quan đến khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất với tổng giá trị nợ gốc và lãi vay là khoảng 1.372 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2021 giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp cho các khoản vay trên là khoảng 1.217 tỷ đồng.
Đến ngày lập báo cáo này, Tòa án Nhân dân TP Quảng Ngãi đang trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét xử khởi kiện trên.
Hiện BSR nắm giữ 65,54% vốn của BSR-BF, công ty này thực hiện dự án Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bio-Ethanol Dung Quất nhưng hiện đã tạm dừng hoạt động sản xuất.
Tại ngày lập báo cáo, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng.
Cuối năm 2021, nợ ngắn hạn của BSR-BF vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.331 tỷ đồng, lỗ lũy kế 1.243 tỷ đồng và nợ quá hạn thanh toán là 926 tỷ đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của BSR-BF phụ thuộc vào việc tái hoạt đọng sản xuất của nhà máy, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông cũng như lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong tương lai.
HĐQT BSR đánh giá các kế hoạch hoạt động và tài chính của BSR-BF và cho rằng cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính theo nguyên tắc hoạt động liên tục là phù hợp. Trong năm 2021, BSR-BF đang bị lỗ.
Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Bio-Ethanol Dung Quất |
Hủy gói thầu EPC dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Về việc cam kết đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR cho biết đã huỷ gói thầu EPC do không lựa chọn được nhà thầu và đang tiến hành lựa chọn phương án đầu tư dự án phù hợp.
Trước đó, năm 2014, BSR đã được phê duyệt dự án này với quy mô đầu tư khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.813 triệu USD với cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay tối thiểu là 30/70. Thời gian thực hiện là 78 tháng kể từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thiết kế tổng thể.
BSR có vốn điều lệ 31.005 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 92,13% vốn. Hiện BSR vay nợ ngắn hạn 9.829 tỷ đồng và dài hạn là 942 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021, BSR thực hiện được 101.080 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 6.715 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ 2.858 tỷ đồng.