Theo chồng sang Hàn Quốc sinh sống 5 năm nay, chị Nguyễn Ngọc Quyên (27 tuổi, quê Hải Phòng), hiện ở thành phố Daegu, cho biết trong 2 năm đầu, chị về chơi với gia đình 2-3 lần/năm và đón một cái Tết Âm lịch tại quê hương.
Năm thứ 3, chị Quyên có bầu sinh đôi nên không thể về. Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến cô dâu Việt chưa có cơ hội hồi hương.
“Mẹ đang sống cùng vợ chồng mình ở Hàn. Còn bố thì từ lúc mình sinh hai bé tới giờ, ông chưa được gặp các cháu nên trông ngóng lắm. Nhưng buồn là dịch bệnh ở cả Việt Nam lẫn Hàn Quốc đều đang bùng mạnh nên năm nay lại là một cái Tết xa nhà của mình”, người mẹ trẻ nói với Zing.
|
Gia đình chị Quyên đón Tết Âm lịch ở Hàn Quốc vào năm 2021. |
Chị Quyên cho hay vừa qua, Hàn Quốc nới lỏng giãn cách xã hội để người dân và doanh nghiệp từng bước phục hồi kinh tế khiến số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, biến chủng mới Omicron xuất hiện. Bởi vậy, chính phủ quyết định siết chặt quy tắc phòng, chống dịch trở lại, chỉ ai tiêm đủ vaccine mới có thể tụ tập tối đa 4 người.
Trong ngày đầu năm 2022, gia đình chị Quyên có chuyến đi tới huyện Yeongdeok, tỉnh Gyeongsang Bắc để ngắm biển. Đều đam mê du lịch, cả nhà hầu hết dành cuối tuần và dịp nghỉ lễ cùng nhau ra ngoài trải nghiệm, trừ hôm mưa hoặc trời quá lạnh.
|
Mâm cỗ Tết với nhiều món ăn Việt của gia đình chị Quyên Theo chị Quyên, giống Việt Nam, Hàn Quốc cũnm lịch. Tuy nhiên, dịp này ở xứ sở kim chi rất ngắn khi mọi người chỉ được nghỉ 3 ngày (từ 30 đến mùng hai). Nếu cạnh thứ bảy và chủ nhật, kỳ nghỉ Tết mới kéo dài 4-5 ngày. |
Từ 30 âm lịch, vợ chồng chị Quyên về nhà mẹ chồng để cùng anh trai và chị dâu nấu đồ cúng thắp hương mùng một. Ngày đầu tiên của năm mới, cả nhà ăn uống tới tối, sau đó ai về nhà nấy.
Thông thường, con gái, con dâu và cháu nhỏ mặc hanbok, còn đàn ông có thể diện trang phục truyền thống hoặc vest đến nhà ông bà.
Trước khi được ông bà, bố mẹ lì xì, trẻ nhỏ phải cúi lạy và chúc mừng năm mới người lớn.
“Mình thấy mâm cỗ cúng của người Hàn khá đơn giản, đa số là đồ chiên. Ngay lần đầu ăn Tết cùng nhà chồng, mình đã có thể phụ giúp mọi người. Chỉ có điều do cách cầm dao của hai nước khác nhau nên mọi người không dám cho mình thái đồ ăn hay gọt hoa quả”, chị kể.
Với chị Quyên, Tết Âm lịch luôn là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm. Bởi vậy, suốt 3 năm không thể về Việt Nam ăn Tết vì dịch bệnh, chị rất nhớ nhà.
“Mình nhớ cảm giác cận Tết háo hức dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ trong không khí se lạnh của miền Bắc, nhớ hương nước mùi già mẹ đun mỗi sáng mùng một để cả nhà rửa mặt cho thơm. Nếu vãn dịch, mình nhất định sẽ về Việt Nam ăn Tết vì quá nhớ không khí này. Bố mình và các cô bác, anh chị em họ hàng cũng rất mong vợ chồng mình cho các con về quê ngoại ăn Tết”, chị nói.
|
Hai con của chị Quyên được bà nội lì xì tiền buộc vào cuộn chỉ trường thọ đeo lên lưng với mong ước sau này tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh và sống thọ. |
Năm nay, mẹ đẻ của chị Quyên ở Hàn nên hai mẹ con có kế hoạch nhỏ để đón cái Tết xa xứ đầm ấm. Cả nhà sẽ tự tay gói bánh chưng và làm các món ăn cổ truyền trong mâm cỗ miền Bắc để mọi người quây quần. Các con chị cũng được trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực Tết Việt.
“Mình rất mong dịch bệnh sớm biến mất để những người xa quê lâu ngày như mình được cùng gia đình trở về quê hương. Hy vọng người dân hai nước đều được tiêm đủ vaccine, thực hiện tốt quy tắc phòng dịch để cuộc sống bình an và tự do trở lại, không ai cần phải đeo khẩu trang và cách ly nữa”, chị nói.