Cách đây gần 10 năm, khi nhắc đến ứng dụng các dẫn đường tại Việt Nam, phần lớn người dùng sẽ lựa chọn HERE WeGo (trước đây là HERE Maps) hoặc Vietmap. Tuy nhiên, các ứng dụng trên đang ngày càng bị lép vế so với Google Maps bởi những tính năng thông minh mà ứng dụng mang lại.
1. Cách tìm đường trên Google Maps khi không có Internet
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt Google Maps cho smartphone tại địa chỉ http://bit.ly/1sqzqw5 (Android) hoặc https://apple.co/2jRC4zf (iOS), ứng dụng tương thích với các thiết bị chạy iOS 9 hoặc cao hơn. Ngoài tính năng cảnh báo kẹt xe, tra cứu thông tin doanh nghiệp, tìm nhà hàng, quán ăn… Google Maps còn cho phép người dùng tải về các gói dữ liệu bản đồ offline để sử dụng khi không có Internet.
Để tiết kiệm dữ liệu di động (3/4G), nhiều người thường chọn giải pháp tải về các gói bản đồ offline để sử dụng khi không có Internet. Đối với các thiết bị Android, bạn hãy mở ứng dụng Google Maps, bấm vào biểu tượng menu ở góc trên bên trái và chọn Offline maps (bản đồ ngoại tuyến) > Select Your Own Map (chọn bản đồ riêng của bạn). Ngược lại, nếu đang sử dụng iPhone hoặc iPad, người dùng chỉ cần nhấp vào tùy chọn Offline Maps (các khu vực ngoại tuyến) > Custom Area (khu vực tùy chỉnh) và thực hiện tương tự.
Lúc này, tự động ứng dụng sẽ lựa chọn một khu vực bất kỳ, tuy nhiên bạn có thể thay đổi vị trí, phóng to/thu nhỏ diện tích dễ dàng rồi nhấn Download để tải xuống và chờ một lát cho đến khi quá trình này kết thúc. Lưu ý, Google Maps chỉ cho phép tải về phần bản đồ có diện tích tối đa là 50 x 50 km và những dữ liệu này sẽ tự động bị xóa đi sau 30 ngày.
Nếu muốn cập nhật dữ liệu hoặc chỉnh sửa bản đồ, người dùng chỉ cần truy cập vào menu, chọn Offline maps (bản đồ ngoại tuyến) và nhấp vào khu vực cần chỉnh sửa. Nhìn chung, tính năng này khá hữu ích trong trường hợp bạn thường xuyên đi công tác, du lịch đến những thành phố xa lạ và khó khăn trong việc tìm mua SIM dữ liệu hoặc kết nối WiFi.
Theo thử nghiệm của người viết, khi tắt WiFi hoặc 3/4G, việc tìm kiếm và dẫn đường vẫn hoạt động ổn định.
2. Chia sẻ vị trí theo thời gian thực trên Google Maps
Không lâu sau khi Facebook cho phép người dùng chia sẻ vị trí theo thời gian thực trên Messenger, Google cũng ngay lập tức bổ sung tính năng tương tự cho ứng dụng bản đồ.
Đầu tiên, bạn nhấp vào biểu tượng menu ở góc trên bên trái và chọn Share location (chia sẻ vị trí) > Get Started (bắt đầu). Người dùng có thể chia sẻ vị trí hiện tại với bạn bè trong một khoảng thời gian cụ thể (mặc định là một tiếng), hoặc chọn Until you turn this off để chia sẻ vô thời hạn cho đến khi bạn chủ động tắt.
Tại mục Select People, bạn hãy nhập địa chỉ email hoặc số điện thoại của người cần chia sẻ vào khung trống. Nếu thấy xuất hiện thông báo Failed to load Location Sharing settings, người dùng chỉ cần gỡ ứng dụng Google Maps và cài đặt lại. Lưu ý, nếu không sử dụng được tính năng Share location (chia sẻ vị trí), bạn hãy chuyển ngôn ngữ trên điện thoại sang tiếng Anh.
3. Đặt xe giá rẻ trên Google Maps
Các dịch vụ vận chuyển như Grab đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, cho phép người dùng lựa chọn hình thức, dịch vụ và tiết kiệm chi phí khi di chuyển.
Để đặt xe giá rẻ, đầu tiên bạn hãy mở Google Maps, nhập vào địa điểm bắt đầu và kết thúc. Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần nhấp vào biểu tượng hình người cầm valy ở góc trên bên phải. Lúc này, Google Maps sẽ hiển thị tất cả dịch vụ vận chuyển có sẵn trong khu vực của bạn, đồng thời ước tính giá cả tương ứng cho xe máy, xe bốn chỗ, xe bảy chỗ, xe chất lượng cao…
Nếu đồng ý, bạn chỉ cần kích vào nút Mở ứng dụng để đặt xe chỉ với vài thao tác đơn giản, đồng thời nhập mã giảm giá (nếu có) do ứng dụng cung cấp.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.