Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cho biết đang yêu cầu 27 tỉnh, thành ven biển cả nước tổng rà soát tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 để kịp thời chấn chỉnh, xử lý bất cập nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định trị giá hàng chục tỷ đồng mới bàn giao đã gỉ sắt, xuống cấp hư hỏng nằm bờ ở cảng Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Bộ đang lên kế hoạch mời tất cả các đơn vị đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ để rà soát, kiểm tra, truy tìm nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc.
"Bộ cũng giao Tổng Cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Bình Định tổng kiểm tra, truy tìm nguyên nhân khiến nhiều tàu vỏ thép trị giá hàng chục tỷ đồng mới bàn giao cho ngư dân địa phương này đã liên tục gặp sự cố phải nằm bờ. Quan điểm của chúng tôi là quyết liệt kiểm tra, xử lý dứt điểm vấn đề này", ông Cường nói.
Theo kế hoạch, ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám vào Bình Định kiểm tra tình trạng hàng loạt tàu vỏ thép mới bàn giao đã gặp nhiều sự cố; đồng thời họp bàn giải pháp xử lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Trước đó cuối tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cử đoàn công tác Tổng cục Thủy sản vào làm việc với địa phương cùng chủ tàu, cơ sở đóng tàu và ngân hàng truy tìm nguyên nhân.
Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), nhấn mạnh Bộ đang tăng cường kiểm tra cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm. Xem xét thấu đáo sai phạm ở các khâu từ thiết kế, cơ sở đóng tàu, chủ tàu, cơ quan đăng kiểm, ngân hàng, thuyền trưởng đến thuyền viên vận hành tàu để làm rõ trách nhiệm trong vụ tàu vỏ thép mới bàn giao đã hư hỏng, nằm bờ.
Các chuyên gia bất ngờ phát hiện tàu vỏ thép của ông Mai Văn Chương (ngụ huyện Phù Cát) bị đơn vị đóng tàu tráo đổi bóng đèn 2.000 W (thay cho bóng 3.000 W) theo hợp đồng ký kết với ngư dân. Ảnh: Minh Hoàng. |
Vị Vụ trưởng cho rằng, về góc độ kỹ thuật vật liệu của nước nào không quan trọng bằng việc vật liệu ấy có đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật để đóng tàu đi biển và phải được đăng kiểm xác nhận.
Trong hợp đồng dân sự giữa chủ tàu và cơ sở đóng tàu đã có thỏa thuận rõ ràng về vật liệu sử dụng. Căn cứ vào hợp đồng có thể biết ai làm đúng, ai vi phạm hợp đồng và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc thay đổi vật liệu. Hiện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển cả nước tổng rà soát cơ sở đóng tàu, đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.
Theo đó, Bộ sẽ loại khỏi danh sách đối với doanh nghiệp, cơ sở nào không đủ điều kiện hoặc vi phạm hợp đồng đóng tàu. Ngoài ra, các địa phương cần thực hiện tốt chính sách về đào tạo, hướng dẫn thuyền viên sử dụng, vận hành tàu vỏ thép.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định 67; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm.