Chiều 11/6, lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị tiến hành lập biên bản niêm phong 25 tấn cá nục chứa độc tố Phenol tại cơ sở Dũng Thuộc (khóm An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị tiến hành kiểm tra và niêm phong 25 tấn cá bị nhiễm chất độc Phenol tại một kho động lạnh ở thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh - (Ảnh Lao Động). |
Trước đó, UBND huyện Vĩnh Linh phát hiện tại các kho đông lạnh trên địa bàn có một số lượng lớn hải sản thu mua trước và sau sự cố cá chết ở miền Trung nên đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho kiểm tra và có biện pháp thu mua giúp người dân.
Ngày 7/6 Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị phối hợp các đơn vị liên quan xác minh số hải sản đang tồn kho ở các kho đông lạnh tại huyện Vĩnh Linh.
Trong đó kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc là lớn nhất với 110 tấn cá (70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá khác khác) và 7 hộ kinh doanh khác có số lượng cá dưới 10 tấn.
Tại cơ sở của bà Thuộc, cơ quan chức năng lấy 6 mẫu ngẫu nhiên gồm 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá sòng và 3 mẫu cá nục (1 mẫu của 20 tấn cá thu mua trước thời điểm sự cố cá chết bất thường xảy ra ven biển các miền Trung,1 mẫu của 20 tấn cá thu mua sau sự cố cá chết 10 ngày và 1 mẫu của 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm cá chết).
Kết quả phân tích kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Theo một lãnh đạo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm thì Phenol là một chất cực độc và tuyệt đối không được có trong thực phẩm.
Ngày 10/6, Sở Y tế Quảng Trị có văn bản số 549 gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc kiểm tra, kiểm nghiệm và cho chủ trương xử lý số hải sản đông lạnh không tiêu thụ được do phát hiện có chất cực độc trong cá thu mua vào thời điểm sau sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Chiều 11/6, lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị đã lập biên bản niêm phong 25 tấn cá nục bị nhiễm chất cực độc Phenol tại cơ sở Dũng Thuộc.
Trả lời PV VTC News chiều ngày 11/6 ông Võ Văn Hưng – GĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Quảng Trị cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn chỉ mang tính tương đối. “Cấp giấy để chứng nhận cá sạch chứ an toàn hay không thì chưa biết”, ông Hưng nói.
Ông Võ Văn Hưng - GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị trả lời báo chí chiều 11/6 - (Ảnh: Nguyễn Vương). |
Ông Hưng cũng khẳng định, ngành Nông nghiệp không theo dõi về tiêu chí phenol trong thực phẩm: “Trong quá trình kiểm tra, theo cơ quan Y tế thì có 1 trong 6 mẫu là có hàm lượng phenol ở ngưỡng 0,037mg/kg. Theo quy định đối với ngành nông nghiệp và chi cục quản lý chất lượng thì không theo dõi về tiêu chí này.
Trong điều kiện tự nhiên, nước biển và cũng như trong quá trình sử dụng và cấp đông, chế biến thì cũng có thể phát sinh hàm lượng phenol. Về thẩm quyền này thì cơ quan y tế sẽ trả lời cũng như là xác nhận đối với lô hàng cụ thể”.
Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Biên - Chi cục trưởng chi cục ATVSTP Quảng Trị cho biết, chất phenol là loại chất cực độc, có thể gây chết người trong khoảng thời gian sau 10 ngày sử dụng. Đây là loại chất cấm khi đóng gói bao bì thực phẩm và tuyệt đối không được có trong thực phẩm.
Trả lời PV VTC News ngày 11/6, bà Lê Thị Thuộc (chủ cơ sở Dũng Thuộc) khẳng định, 30 tấn cá nhiễm độc được ngư dân đánh bắt trên 30 hải lý, và có chứng nhận hải sản đánh bắt ở vùng biển an toàn. Vậy nên, bà rất bất ngờ trước kết quả kiểm nghiệm mẫu cá nục trong kho đông lạnh từ đơn vị chức năng.
Bà Lê Thị Thuộc (phải) - chủ cơ sở kinh doanh Dũng Thuộc tỏ ra bất ngờ trước kết quả kết luận 25 tấn cá trong kho đông lạnh của bà nhiễm chất độc phenol - (Ảnh: Nguyễn Vương). |
Theo lời bà Thuộc, 30 tấn cá nục trong kho đông lạnh được bà thu mua từ ngư dân sau khi xảy ra hiện tượng cá chết khoảng 15 ngày với giá 25 nghìn đồng/kg.
Tại thời điểm bà Thuộc tiến hành thu mua lượng cá này, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ, chứng nhận hải sản an toàn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong công tác tiêu thụ.
Bà Thuộc chia sẻ: “Chính vì vậy, khi nhận được kết quả kiểm nghiệm về việc gần 30 tấn cá nục trong kho đông lạnh bị nhiễm độc, tôi rất bất ngờ. Bản thân tôi cũng không nghĩ cá bị nhiễm chất cực độc như vậy.
Những ngày này, tôi như ngồi trên đống lửa. Đi đâu người ta cũng bàn tán cơ sở tôi buôn bán cá nhiễm độc khiến công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng bị hủy hết.
Ngoài việc gần 30 tấn cá nục bị tiêu hủy, thiệt hại khoảng 750 triệu đồng thì còn 110 tấn cá có giá trị 2,7 tỷ cũng có nguy cơ đổ bỏ khi đối tác hủy đơn đặt hàng”.