|
Kính viễn vọng CHIME đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện tín hiệu vô tuyến. Ảnh: CHIME/FRB. |
Chớp sóng vô tuyến, hay FRB, là những đợt sóng vô tuyến phát ra trong 1/1.000 giây trong không gian.
Mới đây, kính viễn vọng vô tuyến giao thoa kế tại Đài quan sát vật lý thiên văn vô tuyến Dominion (CHIME - bang British Columbia, Canada) đã phát hiện bằng chứng về khoảng 25 nguồn tín hiệu FRB lặp đi lặp lại, nâng tổng số chớp sóng vô tuyến lặp lại lên 50 nguồn.
Lâu nay, các FRB này vẫn là một trong những hiện tượng thiên văn bí ẩn và khó nắm bắt bậc nhất tại thời điểm hiện nay.
Trong số hàng nghìn FRB được phát hiện, hầu hết vụ nổ FRB riêng lẻ thường phát ra một đợt sóng và không lặp lại. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ các vụ nổ FRB sẽ lặp lại nhiều lần. Một trong những câu hỏi đặt ra là liệu FRB lặp lại và không lặp lại có nguồn gốc giống nhau hay không.
TS Ziggy Pleunis, tác giả nghiên cứu, cho biết hầu như tất cả chớp sóng vô tuyến lặp lại không phải là tín hiệu phát ra ngẫu nhiên.
"Hiện tại, chúng tôi có thể tính toán chính xác khả năng 2 hoặc nhiều vụ nổ đến từ các vị trí tương tự nhau, đó không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên", TS Pleunis nói.
Theo New York Post, các nguồn FRB lặp lại có giá trị đặc biệt đối với các nhà thiên văn học. Cụ thể, việc lặp lại nhiều lần sẽ mở ra cơ hội để các nhà nghiên cứu quan sát một cách chi tiết hơn. Bên cạnh đó, chúng cung cấp nhiều thông tin hơn về sự đa dạng của phát xạ do một nguồn tạo ra.
Hiện tại, dữ liệu về 25 nguồn tín hiệu mới sẽ được chia sẻ với cộng đồng khoa học để tiếp tục phân tích và tìm ra sự thật về chúng.