Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu) trong 2 tháng 10 và 11 với trên 17.000 mũi tiêm, từ đầu tháng 12 đến nay, có thêm 5 tỉnh triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBe Five thay thế Quinvaxem.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay đã có 70.000 trẻ tại 12 tỉnh được tiêm ComBe Five. Các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm chủng ComBe Five từ tháng 1/2019.
Trong thời gian ngắn, có rất nhiều phụ huynh chia sẻ khi có nhiều trẻ gặp phản ứng sau tiêm tiêm vắc xin ComBe Five.
Vắc xin ComBe Five sẽ chính thức được tiêm chủng trên toàn quốc từ tháng 1/2019 |
Theo báo cáo của các địa phương, ngoài phản ứng thông thường như: Sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... Một số trường hợp khác bị sốt cao, quấy khóc kéo dài ở Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum với tỉ lệ khoảng 0,05% - 5,5%.
Đặc biệt, tại Nam Định, đã có 2 trẻ đã tử vong sau 36 - 48 giờ sau tiêm vắc xin ComBE Five. Các trẻ này đều đã được khám sàng lọc trước tiêm, được tiêm vắc xin ComBE Five và uống vắc xin bại liệt tại trạm y tế.
Sau tiêm các bé đều được theo dõi 30 phút tại trạm theo đúng quy định và không ghi nhận biểu hiện bất thường trong 30 phút này.
Sau khi về nhà, trong vòng 1 – 2 ngày, 2 trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế.
Sang ngày hôm sau, gia đình thấy trẻ tím tái, khó thở nên đưa bệnh nhi đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên, khi tới bệnh viện 2 cháu đã tử vong.
Sở Y tế Nam định đã tiến hành điều tra nguyên nhân và họp Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân.
“2 trường hợp tử vong sau tiêm chủng không nghĩ đến sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin, không liên quan đến thực hành tiêm. Trẻ tử vong chưa rõ nguyên nhân”, Hội đồng chuyên môn kết luận.
Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, tỉ lệ gặp phản ứng sau tiêm vắc xin ComBE Five gồm 44,5% có sốt nhẹ, 56,3% có nóng, đỏ vết tiêm, 25,6% có đau tại vết tiêm, quấy khóc kéo dài 3,5%.