Ở xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh), chuyện 2 chị em ruột lấy chung một chồng thì ai cũng biết. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện theo kiểu “sông bao nhiêu nước cho vừa”, đó là cả một sự hi sinh thầm lặng, một tấm lòng nhân ái, sự chia sẻ của người chị gái dành cho cô em không may bị tai nạn liệt nửa người. Câu chuyện xót xa này được người dân kể lại với một sự trân trọng.
Nỗi bất hạnh của cô gái xóm núi
Suốt 17 năm nay, chị Hồ Thị Phúc (SN 1977, xóm Bình Hòa, Sơn Hòa) phải sống trong cảnh ăn ngủ, vệ sinh…một chỗ, cơ thể chỉ còn da bọc xương. Hàng ngày chị vẫn phải gắng gượng, vẫn phải uống thuốc giảm đau để duy trì cuộc sống cho mình.
Biết chúng tôi là nhà báo, khi hỏi đến, dân Sơn Hòa ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, lấy xe đưa chúng tôi vào tận nơi. Họ bảo mình còn nghèo, sự chia sẻ, đồng cảm với chị Phúc đôi khi chỉ là mớ rau, con cá kiếm được hàng ngày, thương lắm. Họ mong rằng, trường hợp của chị được chúng tôi chia sẻ trên báo chí, biết đâu lại có phép màu xảy đến?
Suốt 17 năm qua chị Phúc phải nằm một chỗ. |
Trong căn nhà ẩm thấp, tuềnh toàng chả có gì ngoài chiếc giường cũ kỹ. Người đàn bà bất hạnh đang nằm rên xiết. Thấy chúng tôi, chị Phúc nén đau lật cơ thể nghiêng sang một bên cho dễ nói chuyện. Cũng bởi, mấy hôm nay thời tiết thay đổi, gia đình lại hết tiền mua thuốc, nên những cơn đau mới hành hạ chị như vậy.
Hồi 18 tuổi, chị Hồ Thị Phúc cũng như bao cô gái khác, hăng say lao động sản xuất với bao hoài bão. Năm 19 tuổi, chị se duyên với người con trai cùng xã tên Tống Trần Trí. Hạnh phúc viên mãn khi không lâu sau đó, vợ chồng chị sinh được một bé trai khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi con mới được 22 tháng tuổi, thì tai họa bất ngờ ập đến.
“Lần đó, tôi cùng mấy chị em trong làng ngồi bóc lạc thuê gần một kho xi măng ở xã bên, bất ngờ hàng tạ xi măng bỗng đổ ụp xuống, tôi không biết gì nữa”, chị Phúc bật khóc kể lại.
Những người xung quanh chạy thoát được, mỗi chị Phúc ngập ngụa trong đống xi măng. Đến khi mọi người đào bới và cứu được chị tỉnh lại, thì cả phần dưới cơ thể không còn cảm giác gì nữa.
Người đàn bà bất hạnh này bị đứt dây thần kinh tủy sống nên lâm vào cảnh liệt nửa người vĩnh viễn. Sau đó, phần cơ thể phía dưới dần dần hoại tử, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Suốt 2 năm chạy chữa, bán hết cả gia sản nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Từ một cô gái khỏe mạnh, mọi ước mơ tiêu tan theo mây khói, chị Phúc sụp đổ tinh thần, đau đớn thể xác.
Hạnh phúc khi chị gái ruột cưới em rể
Thời gian giành giật sự sống hồi mới tai nạn, hơn 1 tháng tại bệnh viện Việt Nam – Ba Lan, chị gái ruột là Hồ Thị Hạnh (SN 1974) bỏ hết cả công việc đồng áng cho bố mẹ già ngoài 70 tuổi, luôn ở bên cạnh chăm sóc và động viên cô em gái tội nghiệp.
Những di chứng sau tai nạn 17 năm trước. |
Đến khi về nhà, thương em phải đau yếu nằm một chỗ, thương cháu nhỏ (con chị Phúc) chưa được 2 tuổi không ai chăm bẵm, nuôi dạy, chị Hạnh lại sang nhà lo việc cơm nước, giặt giũ. Gia đình hết tiền mua thuốc, anh Trí đi làm phụ hồ quần quật tối ngày. Mọi việc từ nhỏ đến lớn trong căn nhà nhỏ bên sông Ngàn Phố đều do một tay chị Hạnh quán xuyến.
Chị Hạnh cũng gạt nước mắt chia tay mối tình mấy năm với anh giáo trường làng, vì sợ nếu mình lấy chồng, sinh con, sẽ không còn ai chăm sóc em gái và cháu nhỏ. Lần ấy, chị buồn lắm, những lúc rảnh ngồi một mình nghỉ ngơi, nước mắt cứ chảy quanh. Nhưng đến khi nghe thấy tiếng rên yếu ớt của em, hay tiếng khóc thơ ngây của cháu, một sức mạnh vô hình lại thôi thúc trong lòng, chị Hạnh biết rằng mình đã quyết định đúng.
“Nhiều đêm nằm cạnh tôi, chị bỗng đề nghị được kết hôn với anh Trí, chị bảo đó là cách duy nhất để thay em gánh vác chuyện gia đình, có thể chăm lo cho tôi và nuôi dạy con trai suốt đời. Tôi quyết liệt ngăn cản nhưng không lay chuyển được ý định của chị, chỉ ngỡ ngàng xúc động bật khóc khi thấy chị gái mình có tấm lòng bao dung như biển cả.
Khi đó chồng tôi còn rất trẻ, chị Hạnh cũng vậy chỉ ngoài 20, nghĩ mãi, chi bằng chị về một nhà với vợ chồng tôi còn hơn người ngoài vào rồi tan nát cả gia đình, vậy là chị chịu thiệt thòi chấp nhận cưới em rể làm chồng”, chị Phúc thổn thức.
Một thời gian sau, chị Hạnh đã thuyết phục được hai bên gia đình nội ngoại chấp nhận. Năm 2001, một đám cưới nhỏ nhoi diễn ra bên sông Ngàn Phố. Dân làng ai cũng đến chúc phúc. Cái đám cưới kỳ lạ “chị gái cưới em rể” ấy, bên cạnh những nụ cười, không thiếu những giọt nước mắt. Họ khóc cho số phận nghiệt ngã, khóc thương cho 1 kiếp người.
Thu nhập cả nhà chưa được 3 triệu đồng/tháng
Suốt 16 năm nay, gia đình “2 vợ 1 chồng” ở xóm nhỏ ấy vẫn chung sống hạnh phúc, đầm ấm. Anh Trí và chị Hạnh có chung với nhau thêm 2 người con nữa. Những thành viên trong gia đình không hề có va chạm, xích mích, mà họ luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương trìu mến, dù rằng cuộc sống của họ còn hết sức vất vả.
Hàng ngày, anh Tống Trần Trí đi phụ hồ, chị Hạnh trồng rau, trồng lúa quanh quẩn gần nhà bởi mỗi khi em gái lên cơn đau, chị đều có mặt bên cạnh. Về phần chị Phúc, mấy năm gần đây bệnh tình có thuyên giảm đôi chút, đến vụ dân trong làng mang lạc đến cho chị nằm bóc, tiền công mỗi ngày cũng được 10 ngàn đồng.
Phút hiếm hoi chị Phúc có thể ngồi dậy được. |
“Anh Trí dạo này cũng kiệt sức, đau yếu liên miên, 1 tháng 30 ngày thì chắc anh cũng chỉ gắng đi làm được 15, 20 ngày, còn lại nằm dưỡng bệnh. Tiền công anh mang về chỉ tầm hơn 1 triệu đồng. Tôi làm đồng áng cũng được tầm ấy. Em gái tôi có sự hỗ trợ của nhà nước 1 tháng hơn 400 ngàn đồng, cộng với tiền bóc lạc thuê nữa, nhưng cả năm chỉ có 1, 2 vụ, đâu phải lúc nào cũng có lạc mà bóc?
Tính ra, cả đại gia đình thu nhập chưa quá 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh việc thuốc thang cho Phúc, 3 vợ chồng tôi còn chăm sóc bố anh Trí năm nay đã ngoài 80. Dạo này em gái tôi bệnh tình có vẻ chuyển biến xấu. Biết là càng ngày càng khó khăn nhưng cứ cố gắng đến đâu hay đến đấy”, chị Hạnh nhoẻn miệng cười.
Chúng tôi thấy, dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng ở cái gia đình kỳ lạ bên sông Ngàn Phố ấy, họ vẫn luôn lạc quan, luôn tự tin hướng về phía trước, không buông tay trước số phận. Có lẽ, ngọn lửa của những trái tim nhân ái, của đức hy sinh đã và đang tỏa sáng, sưởi ấm căn nhà nhỏ nghèo nàn miền sơn cước.