Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, sau sự cố bị hàng loạt các nước Trung Đông chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar, thậm chí “phong toả” đường biển, đường bộ, đường hàng không…, cuộc sống của người dân ở nước này đang bị ảnh hưởng.
Trưa 7.6, trao đổi với PV, bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo đánh giá ban đầu, lao động Việt Nam tại Qatar chưa bị ảnh hưởng sau sự việc một số nước Trung Đông chấm dứt quan hệ ngoại giao với nước này, vì chủ sử dụng lao động Việt Nam chủ yếu là các nhà thầu châu Âu đến từ Hà Lan, Hy Lạp...
Bà Hà cho biết thêm: “Hiện tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ chỉ đạo xử lý kịp thời khi có vấn đề phát sinh”.
Bà Hà cho hay, hiện nay Việt Nam có 1.800 lao động đang làm việc hợp đồng ở Qatar. Đây là quốc gia đăng cai 2 sự kiện thể thao lớn của thế giới là Olympic 2018 và World Cup 2022 nên nước này đang cần tuyển số lượng lớn lao động nước ngoài làm việc tại các công trình xây dựng phục vụ cho 2 sự kiện thể thao lớn. Do đó, trong những năm tới, Qatar vẫn là một thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng. Tuy nhiên, do thu nhập tại thị trường này không hấp dẫn nên số lượng lao động đi hàng năm chưa cao.
Lao động Việt Nam thi sát hạch trước khi đi xuất khẩu lao động (Ảnh: Thùy Anh) |
“Qatar có khí hậu sa mạc, nắng nóng, nhiệt độ cao nhất vào mùa hè có thể lên tới 50 độ C, do đó lao động đi xuất khẩu lao động ở thị trường này khá vất vả. Tuy nhiên, Qatar đang có nhu cầu tuyển lao động rất cao” – bà Hà nói thêm.
Thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước cho thấy, lao động Việt Nam sang Qatar làm việc chủ yếu làm việc trong những lĩnh vực: xây dựng, giúp việc gia đình, điện dân dụng, điện lạnh, hàn... Mức lương tại thị trường này khoảng 450-550 USD/tháng (khoảng 10-12 triệu đồng/tháng) chưa bao gồm tiền tăng ca, làm thêm giờ và thưởng. Chi phí về ăn ở, đi lại, bảo hiểm đều được chủ sử dụng lao động chi trả.