4. Trận Brody (1941)
Nếu không tính đến trận Vòng cung Kursk năm 1943, trận Brody (1941) là trận đấu tăng lớn nhất của Chiến tranh thế giới thứ 2 và lớn nhất trong lịch sử đến thời điểm đó. Diễn ra ngay trong những ngày đầu của Chiến dịch Barbarossa (Chiến dịch xâm lược Liên Xô của Đức Quốc xã), trận Brody là cuộc đối đầu giữa tập đoàn quân thiết giáp số 1 của Đức (800 xe tăng) với 5 quân đoàn cơ giới của Liên Xô tại Ukraine (3.500 xe tăng).
Trận Brody (1941) - trận đấu tăng ác liệt trong Chiến tranh thế giới thứ 2. |
Ngày 26/6/1941, tại khu vực tam giác Dubno, Lutsk và Brody, 5 quân đoàn cơ giới của Liên Xô tiến hành phản công từ các hướng bắc và nam, nhằm đánh tạt vào sườn tập đoàn quân thiết giáp số 1 của Đức và cùng lúc chiếm lĩnh trận địa gần thành phố Dubno. Trong suốt 4 ngày đêm, quân đội Liên Xô chiến đấu rất mãnh liệt, các biên đội xe tăng và các khẩu đội súng chống tăng của Đức rất khiếp sợ trước loại xe tăng mới T-34 của Liên Xô do các loại đạn của chúng không thể tiêu diệt được kiểu xe tăng này.
Tuy nhiên, quân đội Liên Xô chưa triển khai đội hình xe tăng một cách tốt nhất hoặc không tập trung hỏa lực được thành từng nhóm. Xe tăng phía Liên Xô thường tác chiến độc lập, do vậy xe tăng quân Đức đã thoải mái tràn ngập khắp chiến trường, bẻ gãy đội hình của phía Liên Xô và bắn phá loạn xạ vào bất kỳ mục tiêu nào chúng gặp. Kết quả, gọng kìm của các lực lượng Liên Xô dự định chiếm lĩnh trận địa tại Dubno bị thất bại.
Cuộc chiến kết thúc vào ngày 30/6/1941, quân Liên Xô thiệt hại 800 chiếc xe tăng trong khi quân Đức thiệt hại 200 chiếc.
5. Trận El Alamein 2 (1942)
Trận đấu này đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch Bắc Phi, và là trận chiến xe tăng lớn nhất mà các lực lượng thuộc Liên hiệp Anh giành chiến thắng mà không có sự tham gia trực tiếp của Mỹ.
Diễn ra trong vòng 20 ngày, từ 23/10/1942, đây là cuộc chiến bền bỉ và kiên nhẫn của tướng Bernard Montgomery cùng lực lượng của ông chống lại lực lượng quân Đức của tướng Erwin Rommel, vốn có biệt danh là “con cáo sa mạc”. Tuy nhiên, thật không may cho quân Đức, tướng Rommel đột nhiên bị bệnh nặng và ông này đã buộc phải nhập viện trước khi cuộc chiến nổ ra. Một vấn đề “xui xẻo” khác đến với quân Đức lúc đó là tướng Georg von Stumme, người thay thế ông Rommel, đã bị chết vì một cơn đau tim trong trận chiến này. Phía Đức cũng gặp phải một số vấn đề khó khăn khác, đặt biệt là tình trạng thiếu nhiên liệu. Tất cả những điều trên đã dẫn đến một thảm họa đối với người Đức trong cuộc chiến này.
Cả quân đội Anh và Đức mất khoảng 500 xe tăng trong trận El Alamein 2. |
Tướng Montgomery đã thực hiện cuộc tấn công theo 2 hướng. Giai đoạn đầu tiên là chiến dịch Lightfoot, quân Liên Xô sử dụng pháo bắn phá ác liệt và tiếp theo là một cuộc tấn công bằng bộ binh. Trong giai đoạn thứ hai, bộ binh đã dọn đường cho các sư đoàn thiết giáp tiến công. Sau đó, tướng Rommel được điều động trở lại chiến trường nhưng trong sự tuyệt vọng, ông này đã thừa nhận rằng tất cả đã mất. Kết quả của cuộc chiến, cả quân đội Anh và Đức mất khoảng 500 xe tăng, nhưng quân đồng minh đã không chủ động tiếp tục cuộc tấn công khi giành chiến thắng, cho phép người Đức có đủ thời gian để hồi phục lại.
Chiến thắng trên khiến Thủ tướng Anh lúc đó là Winston Churchill từng tuyên bố: "Trước trận El Alamein chúng ta không có một chiến thắng nào. Sau trận El Alamein chúng ta không có một chiến bại nào”.
6. Trận Vòng cung Kursk (1943)
Trận vòng cung Kursk bắt đầu vào ngày 5/7/1943 và kết thúc vào ngày 23/8/1943. Đỉnh điểm của Chiến dịch phòng ngự-phản công Vòng cung Kursk chính là trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh với sự tham chiến của hơn 1.200 xe tăng và pháo chống tăng tự hành.
Nhằm nhanh chóng lập lại thế trận trên chiến trường, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, quân đội Đức quyết định tập trung tối đa lực lượng xe tăng, xe thiết giáp để chuẩn bị tấn công Hồng quân Liên Xô trên tuyến phòng ngự Vòng cung Kursk. Tổng số binh lực mà quân đội Đức huy động lớn chưa từng có: khoảng 950.000 quân, 2.928 xe tăng, 9.467 pháo (không kể pháo dưới 45 mm) và hơn 2.200 máy bay - chiếm 17% số sư đoàn bộ binh, 70% số sư đoàn xe tăng, 30% số sư đoàn cơ giới và 60% số máy bay của Đức trên mặt trận phía Đông.
Một chiếc xe tăng bị phá hủy trong cuộc chiến Vòng cung Kursk. |
Sau khi đánh giá về khả năng tấn công của quân Đức quốc xã vào tuyến phòng thủ Kursk, Hồng quân Liên Xô đã có những bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Khoảng 1,3 triệu quân được huy động, 3.600 xe tăng, 20.000 pháo cối, 2.792 máy bay được tăng cường, chiếm 26% quân số và số lượng pháo cối, 35% số máy bay và 46% số xe tăng thiết giáp của Hồng quân Liên Xô. Sự tăng cường này đã biến Vòng cung Kursk trở thành một trong những khu vực được bố phòng dày đặc nhất trong lịch sử chiến tranh.
Nhận được thông tin tình báo về việc quân Đức sẽ sớm tấn công tuyến phòng thủ Kursk, sáng sớm ngày 5/7/1943, Hồng quân Liên Xô quyết định tiến hành tấn công trước. Ngày 10/7, tại thị trấn Pokrovka trên bờ sông Vorskla đã bắt đầu diễn ra trận đấu xe tăng kéo dài suốt 3 ngày trên cánh nam của Vòng cung Kursk.
Cuộc chiến giằng co giữa 4 sư đoàn xe tăng cùng 1 sư đoàn cơ giới Đức với 4 quân đoàn xe tăng và một quân đoàn cơ giới Liên Xô tại khu vực này diễn ra trong nhiều ngày nhưng không đi đến kết quả ngã ngũ. Đến tối 12/7, tàn quân của các sư đoàn xe tăng Đức buộc phải rút lui. Theo người Anh tổng kết, quân đội Đức Quốc xã mất 320 xe tăng, quân đội Liên Xô mất khoảng 400 chiếc. Phía Liên Xô đưa ra kết quả ngược lại, quân đội Liên Xô mất 300 xe tăng và pháo tự hành nhưng đã phá hủy 400 xe tăng và pháo tự hành, 88 pháo, 70 súng cối và hơn 300 xe quân sự của đối phương. Phía Đức thừa nhận trận tấn công đã hoàn toàn thất bại.
Đến ngày 20/7, toàn bộ quân Đức buộc phải rút lui, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công. Giai đoạn phản công của quân đội Liên Xô kết thúc bằng việc đánh chiếm lại thành phố Kharkov lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng ngày 23/8.
Với thất bại sau trận chiến Kursk, quân đội Đức Quốc xã không đạt được mục tiêu và chịu thiệt hại hết sức nặng nề: 500.000 quân bị thương vong; 1.500 xe tăng, 3.000 khẩu pháo và 3.700 máy bay bị bắn hạ hoặc phá hủy. Ngoài ra, quân Đức Quốc xã còn phải rút lui thêm về phía Tây hàng trăm km. Thua trận, quân đội Đức Quốc xã đã mất hẳn quyền chủ động tấn công chiến lược và rơi vào thế phòng thủ bị động. Lúc này, quân Đức Quốc xã chỉ còn có thể phòng ngự, kết hợp một số trận phản công nhỏ và hầu hết đều không thành công cho đến khi đầu hàng toàn bộ vào tháng 5/1945.
Với thắng lợi thuộc về Hồng quân Liên Xô, trận Vòng cung Kursk đã trở thành một trong những chiến thắng bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự đi xuống của quân đội Đức Quốc xã trên chiến trường Xô-Đức cũng như trong Chiến tranh thế giới thứ 2.