Sứa “bất tử”
Sứa có một vòng đời phức tạp bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn hữu tính còn được gọi là “medusa” và giai đoạn vô tính được gọi là “polyp”. Trứng được thụ tinh sẽ trở thành ấu trùng bơi, sau đó phát triển thành polyp. Polyp đứng yên dưới đáy biển hoặc bám vào vỏ thuyền, sinh vật phù du, động vật không xương sống... Khi lớn lên, chúng cũng sinh sản bằng cách nảy chồi và hình thành nhiều polyp. Khi polyp trưởng thành, chúng trở thành medusa, dạng bơi tự do mà chúng ta biết được là sứa sinh sản hữu tính và ấp trứng.
Mặc dù hầu hết các loài sứa đều có tuổi thọ hạn chế, loài sứa Turritopsis dohrnii là loài duy nhất được biết đến có thể quay trở lại giai đoạn đa nang khi đối mặt với tình trạng đói khát, tổn thương cơ thể hoặc thậm chí thay đổi nhiệt độ.
Trong giai đoạn đa polyp, sứa sinh sản vô tính thành nhiều polyp hơn, các polyp mới phát triển thành sứa. Cơ bản, loài sứa này bất tử về mặt sinh học và chỉ có thể chết khi bị kẻ thù ăn thịt, bị bệnh hoặc bị giết dù vô tình hay cố ý. Khi bị thương nặng hoặc quá già, nó trở lại giai đoạn chưa trưởng thành về giới tính và bắt đầu lại vòng đời.
Bọ hung “lực sĩ”
Bọ hung ăn phân, nấm, trái cây và lá mục, sống phổ biến ở tất cả các lục địa trừ Australia. Tìm thấy phân thông qua mùi, chúng lăn phân thành một quả cầu và nhanh chóng di chuyển ra xa theo đường thẳng bất chấp mọi chướng ngại vật, để không bị con bọ khác đánh cắp. Bọ hung chôn những quả bóng phân để dự trữ làm thức ăn hoặc biến nó thành tổ để ấp con.
Những con bọ có thể lăn cục phân gấp 10 lần, nhưng những con bọ hung Onthophagus taurus đực có khả năng lăn gấp 1.141 lần trọng lượng của chúng. Việc có thể lăn một lượng phân khổng lồ không phải là điều đáng kinh ngạc duy nhất về bọ hung. Chúng là loài côn trùng duy nhất được biết đến có thể tự định hướng theo Dải Ngân hà hoặc các ngôi sao sáng.
Dê núi Alpine ibex
Alpine ibex là một trong số loài dê núi được biết đến với kỹ năng leo núi tuyệt vời, giúp chúng không bị trượt những nơi gần như thẳng đứng, nhiều đá để bảo vệ mình khỏi những kẻ săn mồi. Cơ vai và cổ khỏe đến mức giúp ibex có thể nhảy cao tới 2m. Alpine ibex thích sống ở trên cao. Loài dê này ở Siberia thường được tìm thấy trên các vách đá cao từ 2.000-5.000 m, loài Walia sống ở độ cao từ 2.500-4.500 m.
Tuy nhiên, chiến lược phòng thủ này không hữu ích nhiều đối với kẻ săn mồi là đại bàng. Đại bàng chỉ cần tóm lấy con dê và quăng nó ra khỏi núi trước sau đó ăn thịt.
Cá hagfish
Hagfish có vẻ ngoài như con lươn, có hơn một trăm tuyến trên cơ thể tiết ra hỗn hợp các sợi nhỏ và chất nhầy đặc khi bị đe dọa. Các sợi được quấn chặt chẽ giống như một quả bóng len bên trong màng tế bào mỏng. Khi ở trong nước, các màng này bị vỡ và các sợi bị bung ra. Chất nhầy nở ra gần 10.000 lần thể tích của nó, tạo thành một chất kết dính, sền sệt. Khi những kẻ săn mồi đớp hagfish, chất nhầy bám chặt vào mang, khiến chúng vô cùng khó thở, giúp hagfish tẩu thoát.
Cách tự bảo vệ tuyệt vời này không có nhiều thay đổi trong quá trình tiến hóa so với những loài từ 300 triệu năm trước. Chất nhầy có nhiều công dụng tiềm năng làm chất thay thế sinh học cho kevlar (một loại sợi tổng hợp bền và chịu nhiệt) và bảo vệ chống lại cá mập cho thợ lặn, đều đang được Hải quân Mỹ nghiên cứu. Một nhà nghiên cứu từ ETH Zürich đang nghiên cứu sử dụng chất nhầy này như một chất thay thế cho gelatin thương mại.
Cá hồi
Cá hồi có một trong những cuộc di cư đặc nghiệt nhất trong thế giới động vật. Chúng bơi ngược dòng hàng trăm dặm, không ăn, để đến thượng nguồn con sông mà chúng đã được sinh ra. Cá hồi có nhảy cao tới 3,65 m theo chiều thẳng đứng khi di chuyển qua các thác nước và ghềnh. Điều đáng chú ý là khả năng quay trở lại dòng sông “chôn rau cắt rốn” của chúng.
Một giả thuyết cho rằng những mùi đặc trưng của dòng sông quê hương hoặc phụ lưu đã in sâu vào chúng trước khi chúng ra khơi. Năm 1988, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hộp sọ của cá hồi mắt đen có sắt ở dạng magnetit và với số lượng đủ để hoạt động giống như một chiếc kim la bàn, giúp chúng cảm nhận được từ trường Trái Đất, hướng sự di cư của chúng từ đại dương trở lại dòng sông mà chúng được sinh ra.
Tôm súng lục
Tôm súng lục, còn được gọi là "tôm búng", có một càng bình thường và một càng lớn bằng nửa cơ thể của chúng. Càng lớn hoạt động như một chiếc búa. Càng mở ra và cặp lại với một lực mạnh đến mức giải phóng các bong bóng hơi di chuyển với tốc độ 100 km/h và phát ra âm thanh ở 218 decibel, làm choáng con mồi, có thể giết chết những con cá nhỏ, thậm chí làm vỡ lọ thủy tinh nhỏ.
Cường độ âm thanh từ những tôm này tương đương âm thanh do những động vật ồn ào nhất dưới nước như cá nhà táng tạo ra. Các bong bóng được tạo ra cùng các chùm ánh sáng ngắn khi chúng phát sáng, hiệu ứng được gọi là "phát quang". Khi bong bóng phát nổ, nó đạt đến nhiệt độ trên 4.700 °C (nhiệt độ ước tính trên bề mặt Mặt Trời là 5.500 °C).
Ếch lông
Còn được gọi là “ếch kinh dị”, loài ếch có lông có thể được nhận ra bởi các cấu trúc giống như lông dọc theo sườn và đùi của chúng. Lông thực ra là nhú bì với các động mạch được cho là giúp tăng diện tích bề mặt để hấp thụ oxy.
Đặc điểm đáng chú ý của ếch lông là các móng vuốt có thể thu vào. Khi bị tấn công hoặc bị bắt, nó sẽ phá vỡ các sợi collagen cứng, bẻ gãy ngón chân và chỉa xương sắc nhọn vào da của kẻ tấn công. Các móng vuốt được cho là sẽ thu lại một cách thụ động theo thời gian khi các mô bị tổn thương tái tạo.
Hải sâm
Hải sâm có một vài cơ chế phòng vệ rất đặc biệt chống lại những kẻ săn mồi. Một số loài hải sâm phun ra các ống dính để bẫy những kẻ săn mồi. Đôi khi, một chất độc được gọi là “holothurin” được giải phóng cùng với các ống có thể giết chết bất kỳ động vật nào gần đó. Các ống này tái sinh chỉ sau vài ngày.
Giống như nhiều loài da gai khác, hải sâm có một mạng lưới các sợi collagen rất nhỏ nằm dưới da, có thể chuyển từ dạng rắn sang dạng lỏng rồi trở lại dạng rắn, được kiểm soát bởi hải sâm. Khi cần trốn, hải sâm có thể tự làm mềm bằng cách tháo các sợi và chui vào các khe đá. Sau đó, làm sợi cứng lại, khiến kẻ săn mồi không thể kéo nó ra khỏi khe đá.
Chim sơn ca Australia
Chim sơn ca Australia có hệ thống thanh âm phức tạp nhất trong số tất cả các loài chim biết hót, điều này mang lại cho chúng khả năng bắt chước nhiều âm thanh tự nhiên cũng như nhân tạo. Các âm thanh có thể bắt chước của chim sơn ca là âm thanh của gấu túi, chó dingo, tiếng còi cối xay, tiếng cưa cắt ngang, tiếng chuông báo cháy, tiếng súng, tiếng xe hơi và động cơ cũng như âm nhạc…Chúng hót nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 6-8, cao điểm của mùa sinh sản và có thể lên đến 4 giờ một ngày để thu hút bạn tình.
Mặc dù cũng thích hót, con cái chúng thường im lặng khi con đực tán tỉnh, nhưng thể hiện khả năng của mình khi kiếm ăn hoặc bảo vệ tổ. Những con chim non mất khoảng một năm để hoàn thiện khả năng bắt chước âm thanh.
Những chú ong
Khi bay, ong đập vào các hạt mang điện như bụi và các phân tử làm tách các electron trên lớp biểu bì, lớp vỏ bên ngoài của cơ thể chúng, tạo ra một điện tích dương. Các lớp biểu bì không dẫn điện, vì vậy theo cách này, điện tích chúng có thể tích tụ lên tới 450 V. Vào những ngày trời quang, hoa mang điện tích âm. Nếu một chú ong hút mật của bông hoa, điện tích hoa sẽ thay đổi. Những chú ong có thể cảm nhận được sự thay đổi này và phân biệt được sự khác biệt giữa một bông hoa đã bị hút mật và một bông hoa tươi.
Những chú ong cũng sử dụng điện tích này để giao tiếp với những chú ong khác khi chúng đi vào tổ thông qua điệu nhảy. Đầu tiên, chúng cung cấp thông tin về khoảng cách và hướng của hoa với mật hoa và phấn hoa, nước hoặc các vị trí làm tổ mới bằng cách di chuyển cơ thể. Thứ hai, trong khi nhảy, chúng tạo ra các luồng không khí và điện trường tạo ra các rung động có thể được phát hiện bởi ăng-ten của những chú ong khác.