Đường hoa Nguyễn Huệ
Đón xuân Giáp Thìn 2024 đường hoa Nguyễn Huệ trở thành tâm điểm vui chơi giải trí, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP HCM và du khách.
Toàn cảnh Đường Hoa Nguyễn Huệ. |
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 được thực hiện hoành tráng, quy mô, với bố cục 3 phân đoạn gồm: Nguồn cội quê hương, Băng sông vượt biển, Vươn mình hội nhập. Ngôn ngữ chủ đạo được thể hiện xuyên suốt Đường hoa Tết 2024 là yếu tố truyền thống văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam.
Điểm nhấn của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là hình ảnh những con rồng – linh vật của năm được cách điệu với dáng bay lên trời – thể hiện khát vọng vươn lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của cả nước cũng như thành phố.
Linh vật rồng tại Đường Hoa Nguyễn Huệ. |
Không chỉ gây ấn tượng bởi độ đầu tư linh vật rồng Tết Giáp Thìn 2024, đường hoa Nguyễn Huệ còn ứng dụng công nghệ AR (thực tế ảo) với chủ đề: “Rồng thăng hoa”, thông qua app Seensio Go trên thiết bị di động thông minh nhằm tăng trải nghiệm cho du khách.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chủ đề: “Xuân yêu thương, Tết sum vầy” sẽ phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19 giờ ngày 7/2/2024 đến 21 giờ ngày 14/2/2024.
Hội hoa xuân Tao Đàn
Hội hoa xuân Tao Đàn - một trong những sự kiện lễ hội tiêu biểu của TP HCM. Sự kiện mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân TP mỗi dịp xuân về, nơi giao lưu giữa các nghệ nhân, nhà vườn trong và ngoài nước.
Năm nay, Hội hoa xuân Tao Đàn được tổ chức trong thời gian 10 ngày, từ ngày 6 đến hết ngày 15-2/2024 (tức từ ngày 27 tháng Chạp đến hết ngày 6 tháng Giêng). |
Đến với Hội hoa xuân Giáp Thìn 2024, người dân sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mới lạ như: Bộ sưu tập mai vàng đặc sắc có cây trên 50 tuổi đến từ tỉnh An Giang, cây trên 40 tuổi, cao 3m đến từ TP Thủ Đức.
Bộ sưu tập hoa sứ, hoa lan, hoa giấy cổ thụ trên 70 năm tuổi, cây mai xanh gần 100 tuổi từ TP Đà Lạt, sen đá cổ thụ cao trên 1,2m đến từ thủ đô Hà Nội. Ngoài ra còn nhiều tiểu cảnh, khu trưng bày, hình ảnh rồng được lắp đặt xuyên suốt không gian hội hoa.
Lễ hội Đường sách
Với chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy, Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn 2024 diễn ra trên tuyến đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, quận 1, TP HCM).
Điểm nhấn của lễ hội đường sách năm nay chính là chương trình “Lì xì sách” với thông điệp “Mở trang sách mới, mừng năm mới”. |
Đường sách sẽ mở cửa đón khách trong tám ngày, từ 17 giờ ngày 7 đến 14-2 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).
Năm nay, Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn trở lại với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300 m2 mang biểu tượng thiêng liêng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng đánh dấu sự trở lại của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm.
Điểm nhấn của lễ hội đường sách năm nay chính là chương trình “Lì xì sách” với thông điệp “Mở trang sách mới, mừng năm mới” diễn ra vào ngày 10-2 (tức mùng 1 Tết) với 6.000 cuốn sách được huy động.
Đây là hoạt động lần đầu được tổ chức tại Lễ hội đường sách Tết nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam.
Lễ hội đường sách sẽ có ba khu vực. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur là khu vực sân khấu chính diễn ra lễ khai mạc và nhiều nội dung trưng bày, triển lãm đặc sắc.
Khu vực này sẽ là nơi triển lãm giới thiệu các tác phẩm, bài thơ chúc Tết, bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm đoạt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Triển lãm báo xuân, triển lãm tư liệu, hình ảnh, tác phẩm kỷ niệm của các ngày lễ lớn, giới thiệu các tác phẩm đặc sắc đoạt giải của chương trình “Người Việt yêu sử Việt”, trưng bày sách hay, sách hiếm, sách có giá trị của các đơn vị xuất bản, phát hành…
Phố ông đồ
Mỗi khi Tết đến, khu vực phố ông đồ xung quanh Nhà Văn hóa Thanh niên tọa lạc tại đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP HCM lại trở thành địa điểm thu hút sự chú ý và mong đợi của giới trẻ. Nơi đây cũng là trung tâm của nhiều sự kiện văn hóa, các trò chơi dân gian và không thể thiếu những khung cảnh đặc trưng là những người dân xin chữ ông đồ để truyền đạt những ước nguyện và hy vọng cho một năm mới an lành.
Năm nay, Phố ông đồ tại Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 với chủ đề: “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố tôi yêu“ do Nhà Văn hoá Thanh niên TP HCM tổ chức, với nhiều không gian nổi bật bởi sự tái hiện của các làng nghề truyền thống.
Tại đây, hàng trăm cành mai vàng rực rỡ cao hơn 2m đã được trang trí dọc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1, TP HCM). Đây là nét đặc trưng trong chuỗi hoạt động Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 tại Nhà văn hóa Thanh niên, được duy trì suốt gần 17 năm qua.
Theo ban tổ chức, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra từ ngày 24/1 đến hết ngày 14/2.
Đường hoa Phú Mỹ Hưng
Đường hoa Phú Mỹ Hưng Tết 2024 diễn ra từ ngày 3/2 đến hết ngày 13/2, với chủ đề "Xuân sum vầy" đường hoa có chiều dài 700m, nằm trên tuyến đường Tôn Dật Tiên, quận 7, TP HCM.
Đường hoa Phú Mỹ Hưng Tết 2024 diễn ra từ ngày 3/2 đến hết ngày 13/2, với chủ đề "Xuân sum vầy". |
Các tiểu cảnh năm nay được thiết kế với phong cách cổ điển, trang trí hoa văn mô phỏng vảy rồng kết nối giữa truyền thống và hiện đại.
Đường hoa Phú Mỹ Hưng năm nay còn có tiểu cảnh đồng lúa xanh mướt, trải dài, cùng tiểu cảnh nhỏ với các loài rau, củ, quả…
Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền’
Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền’ Tết Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 4/2 (25 tháng Chạp) đến 9/2 (30 tháng Chạp) tại đường Nguyễn Văn Của, phường 13, quận 8, TP HCM.
Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền’ Tết Giáp Thìn 2024 tại quận 8, TP HCM. |
Chợ hoa Xuân ‘Trên bến dưới thuyền’ Tết Giáp Thìn 2024 quy tụ 654 điểm kinh doanh, trong đó có 50 điểm kinh doanh trái cây, rau, củ quả và 604 điểm kinh doanh hoa, cây kiểng, với nhiều chủng loại đa dạng.
Điểm nổi bật của chợ hoa Xuân 2024 là con đường nghệ thuật gốm đỏ của tỉnh Vĩnh Long, làng gốm đã tồn tại hơn 100 năm, sản phẩm đặc sắc này đã tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống độc đáo của Vĩnh Long.
Trong khuôn khổ Chợ hoa Xuân, cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như chương trình biểu diễn Đờn ca tài tử trên ghe bầu dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ; biểu diễn Lân Sư Rồng, Hội thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Nét đẹp quận 8 - Trên bến dưới thuyền"; gian hàng trải nghiệm gói và nấu bánh tét dành cho du khách tham quan; " phố Ông đồ"; diễu hành duyên dáng áo dài Hoa với chủ đề “Áo dài Việt Nam - Sắc hoa ngày Tết”. Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức Hội thi viết Thư pháp với chủ đề “Nét bút mừng Xuân”.
Vãng cảnh chùa Bửu Long
Là một trong những ngôi chùa gây ấn tượng ở TP HCM bởi nét kiến trúc độc đáo, chùa Bửu Long được thành lập vào 1942, có địa chỉ tại số 81 đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, TP Thủ Đức (TP HCM).
Khung cảnh thanh tịnh tại chùa Bửu Long. |
Năm 2019, chùa Bửu Long vinh dự lọt top 10 công trình Phật giáo được đánh giá đẹp nhất thế giới do National Geographic của Mỹ bình chọn.
Chùa mở cửa đón khách từ 8h00 đến 18h00 hàng ngày. Tuy nhiên thời điểm từ 11h00 đến 14h00 du khách chỉ có thể tham quan bên ngoài chùa.
Thảo Cầm Viên
Lá phổi xanh của thành phố cũng đã hoàn thiện khu vườn hoa hướng dương rực rỡ để chào đón du khách tới tham quan dịp tết Giáp Thìn sắp tới.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, du khách đến với Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn được trải nghiệm các hoạt động mới lạ như: đảo vượn chuồng cọp, kéo co với hổ... |
Từ cổng chính trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM), khu check-in tết nằm ngay bên tay phải nổi bật với sắc vàng rực rỡ của hơn 1.300 cây hướng dương, sắc đỏ may mắn thảm hoa mào gà và nhiều loại hoa khác mang không khí tết đến sớm với điểm đến không thể bỏ lỡ này.
Công viên Bến Bạch Đằng
Công viên Bến Bạch Đằng, địc chỉ quen thuộc của các bạn trẻ. |
Công viên Bến Bạch Đằng, bắt đầu từ ga tàu thủy Bạch Đằng, chỉ cách nhà hàng The Nest vài bước chân, chắc chắn là điểm check-in không thể bỏ lỡ đối với du khách và cả người dân thành phố dịp tết Giáp Thìn 2024 này.
Là một không gian công viên mở xanh mát, thoáng đãng, ngay sát bờ sông Sài Gòn, đây là địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh sông, đặc biệt là nơi chiêm ngưỡng màn pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa.
Vui “Xuân chiến khu” tại Địa đạo Củ Chi
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức hàng loạt hoạt động sôi nổi phục vụ khách tham quan, như: tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức hàng loạt hoạt động sôi nổi phục vụ khách tham quan.
Ngoài ra, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi còn tổ chức họp chợ quê trong vùng giải phóng với các món ăn dân dã, đặc trưng của người dân Củ Chi trong giai đoạn chiến tranh.
Phiên chợ quê tại Khu di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi. |
Du khách có thể tham quan và trải nghiệm các mô hình độc đáo như cấy lúa, giã gạo và bắt cá; tham gia các trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, khu trò chơi cảm giác mạnh với nhiều thử thách dành cho du khách thích chinh phục bản thân, đánh trận giả bằng súng bắn đạn sơn…
Đặc biệt, từ ngày 11 đến ngày 14/2, Khu di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi phối hợp với Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình), Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre và tỉnh Tây Ninh tổ chức các hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày di sản, trình diễn văn nghệ dân gian, trải nghiệm ẩm thực truyền thống của dân tộc Mường và miền Tây Nam Bộ (tỉnh Bến Tre).