10 đại gia tiền mặt gọi tên ai?
Thống kê từ Báo cáo tài chính các doanh nghiệp (trừ nhóm ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm) đến cuối năm 2019, tổng lượng tiền mặt của 10 đại gia tiền mặt trên thị trường chứng khoán lên tới trên 186.203 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018.
10 đại gia tiền mặt vẫn là những cái tên quen thuộc như ACV, GAS, VIC, VEA, PLX, SAB, VNM, GVR, FPT và MSN.
Tuy vậy, vị trí xếp hạng đã có nhiều xáo trộn so với thời điểm cuối năm 2018. GAS sau 3 năm trụ vững ở vị trí quán quân thì nhường vị trí dẫn đầu cho ACV; VEA ở vị trí áp chót của năm trước đã vươn lên ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.
Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) đứng đầu trong bảng xếp hạng với 31.271 tỷ đồng lượng tiền mặt nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2019, vượt mặt vị trí quán quân của GAS trong nhiều năm liền.
Nếu so với thời điểm đầu năm, tiền mặt của ACV tăng hơn 6.900 tỷ đồng, tương ứng tăng 29%. Trong đó chỉ có gần 350 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn và gần 31.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn.
Ở vị trí á quân về nắm giữ tiền mặt là Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), Công ty ghi nhận giá trị tiền mặt đạt 29.391 tỷ đồng. Tại GAS, Công ty luôn nắm giữ tiền mặt với tỷ lệ khá lớn trong tổng quy mô, đơn cử như cuối năm 2019, tiền mặt chiếm hơn 47% tài sản, còn ở cuối năm 2018 tỷ lệ này ở mức 45%.
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ lượng tiền khủng ở vị trí thứ ba với gần 29.000 tỷ đồng, tăng tới 86% so với cuối năm 2018.
Đối với Vingroup - ông lớn của ngành xây dựng và bất động sản, ưu tiên nắm giữ tiền và các khoản tương đương tiền nhiều hơn, do đó, tiền và các khoản tương đương tiền của Công tới 18.489 tỷ đồng. Trong khi đó khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 10.400 tỷ đồng.
Sau Vingroup, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, VEA) nắm giữ tới 16.842 tỷ đồng tiền mặt, trong đó 5.577 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương và 11.265 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Nằm trong top 5 những đại gia nắm giữ tiền mặt là doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu - Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) ghi nhận 16.676 tỷ đồng tiền mặt, tăng đến 1.741 tỷ đồng so với cuối năm 2018.
Đứng vị tiếp theo trong bảng danh sách những đại gia tiền mặt phải kể cái tên quen khác là Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB).
Tính đến thời điểm tháng 12/2019, Sabeco có tới 16.509 tỷ đồng tiền mặt, tăng mạnh so với con số 12.000 ghi nhận cuối năm 2018 và chiếm tới 60% tổng tài sản.
Sabeco dành tới 12.393 tỷ đồng để bỏ vào ngân hàng (khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn), còn lại hơn 4.000 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền.
ACV nắm giữ nhiều tiền mặt nhất tại thời điểm cuối năm 2019. |
Ba vị trí tiếp theo trong danh sách có lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng lần lượt là Sữa Vinamilk (VNM) với 15.101 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) với 13.683 tỷ đồng, và CTCP FPT (FPT) với 10.236 tỷ đồng.
So với thời điểm đầu năm, Vinamilk của bà Mai Kiều Liên gia tăng gần 5.000 tỷ đồng tiền mặt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng hơn 3.000 tỷ đồng và FPT gia tăng 800 tỷ đồng.
Phần lớn tiền mặt của ba Công ty kể trên đều nằm trong khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn: Vinamilk (12.436 tỷ), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (7.441 tỷ), FPT (6.778 tỷ).
Một gương mặt mới gia nhập trong nhóm đại gia tiền mặt tại thời điểm cuối năm 2019 là Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang với 7.585 tỷ đồng.
Sự góp mặt của Masan đã đánh bật Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, NVL) ra khỏi danh sách 10 đại gia tiền mặt. Cuối năm 2019, lượng tiền mặt của ông lớn bất động sản này nắm giữ còn 6.932 tỷ đồng, sụt giảm đến 5.491 tỷ đồng.
Cũng giống như Vingroup, Novaland phần lớn nắm giữ khoản tiền và tương đương tiền (6.513 tỷ) và phân bổ khá khiêm tốn vào khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (419 tỷ).
Tiền nhiều để làm gì?
Việc có nhiều tiền đã giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong các quyết định, chớp lấy thời cơ, giành lợi thế trên thị trường. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế dự báo sẽ còn nhiều biến động, những cú sốc có thể bất ngờ ập đến, nhiều tiền sẽ giúp doanh nghiệp phòng vệ tốt hơn.
Ngoài những điều kiện thuận lợi trên khi nắm giữ nhiều tiền mặt thì Công ty có lợi (đem tiền gửi ngân hàng nhận về tiền lãi) hay cổ đông của Công ty cũng phần nào được hưởng lợi (cơ hội nhận được cổ tức nhiều hơn).
Đơn cử như ở quán quân về tiền mặt, AVC thu về gần 1.796 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng gần 500 tỷ so với lãi tiền gửi trong năm 2018. Hay ở Sabeco, Công ty ghi nhận lãi tiền gửi, tiền cho vay 855 tỷ đồng trong tổng 890 tỷ đồng doanh thu tài chính,…
Chỉ tính riêng năm 2019, 10 đại gia này đã nhiều lần phân phối lợi nhuận cho cổ đông theo hình thức là chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
“Ông lớn” ngành sữa Vinamilk đã có 3 lần thanh toán cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ tổng cộng 45%, số tiền thanh toán lên tới 7.836 tỷ đồng vào ngày 19/4; 3/9 và 2/12/2019.
Petrolimex cũng đã chi 3.044 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 26%, VEAM thì chi 5.185 tỷ đồng theo tỷ lệ 39%.
Nhưng tiền mặt nhiều có phải luôn tốt? Cùng với xem xét nguồn gốc tiền, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề chi tiêu thì lịch sử thua lỗ từ đầu tư ngoài ngành tràn lan ở nhiều đơn vị đã minh chứng, doanh nghiệp nhiều tiền thường bị sức ép phải sinh lời tương xứng.
Các công ty này dễ bị cám dỗ rót tiền vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh, từ đó có thể đưa đến rủi ro, mất mát trong đầu tư. Bởi thế, các công ty nhiều tiền cần thận trọng khi đầu tư, nên được tư vấn kỹ lưỡng và cần người lãnh đạo tỉnh táo, có tầm nhìn xa để biết cách dùng tiền hiệu quả.