Gần đây, 3 hạm đội của Hải quân Trung Quốc đã tập trận “Cơ động số 5” tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên lực lượng Hải quân Nhật Bản đã cử tàu khu trục tên lửa Ikazuchi (DD-107) thả neo, tiến hành quấy nhiễu hoạt động tập trận của Trung Quốc.
Một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng Trung – Nhật đang chạy đua sức mạnh phòng thủ qua các cuộc tập trận lớn. Đáng chú ý, Nhật Bản đóng mới 2 tàu khu trục Aegis, thì Trung Quốc ngay lập tức đã bắt tay vào nghiên cứu, phát triển hệ thống tên lửa “tiêu diệt” tàu khu trục Aegis của Nhật Bản.
Một trong các tàu khu trục Nhật Bản trang bị hệ thống chiến đấu Aegis. |
“Tạo thế cờ vây” Trung Quốc
Đài truyền hình CNN của Mỹ nhận định, khu vực Tây Thái Bình Dương đang diễn ra thế đối kháng quân sự. Trước đây, Nhật Bản và Quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản lo ngại nhất chính là các loại tên lửa dẫn đường và tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây Mỹ liên tục thử nghiệm thành công các loại tên lửa chống tên lửa, chính điều này đã giúp Mỹ, Nhật tăng thêm niềm tin “đối chọi” với Trung Quốc.
Hãng tin Reuters nhận định, Mỹ tăng cường cung cấp hỗ trợ hệ thống chiến đấu Aegis cho tàu chiến ở hải quân nhiều quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã đạt được hợp đồng trị giá 1 tỷ USD để nâng cấp hệ thống Aegis, sẽ thiết kế nghiên cứu một loại tàu chiến Aegis thế hệ mới.
Nhật Bản đã được trang bị tên lửa đánh chặn "siêu hạng" SM-3 trên tàu chiến. |
Tạp chí quân sự của Nga cho biết, ngoài Nhật Bản, Mỹ đang có kế hoạch cung cấp hệ thống Aegis cho Hàn Quốc và Ấn Độ, hòng “tạo thế cờ vây” Trung Quốc trên biển. Gần đây, Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch sẽ đóng tàu khu trục Aegis cỡ trung có lượng giãn nước 5.600 tấn.
Đối mặt với “thế cờ vây Aegis” của Mỹ như vậy, Trung Quốc sẽ có biện pháp như thế nào? Con át chủ bài đó chính là các loại tên lửa chống radar mới, có thể tiêu diệt radar AN/SPY-1 – “trái tim” hệ thống chiến đấu Aegis.
Trung Quốc làm thế nào để khắc chế Aegis?
Tháng 12/1997, một lượng nhỏ tên lửa chống radar Kh-31P được Nga xuất khẩu cho Trung Quốc. Tiếp đó, vào cuối năm 2002 đầu năm 2003, Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 quả Kh-31P từ Nga.
Sau đó không lâu, Trung Quốc bắt đầu mua giấy phép sản xuất Kh-31P của Nga để chế tạo loại tên lửa này với định danh YJ-91 trong giai đoạn 2003-2004.
Trung Quốc chính thức giới thiệu tên lửa chống radar YJ-91 tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2010. Tên lửa chống radar kiểu mới được sản xuất theo giấy phép của Nga trở thành vũ khí chủ yếu đột phá hệ thống phòng không đối phương của Không quân Trung Quốc.
Trung Quốc mua một số lượng lớn tên lửa chống radar Kh-31P của Nga để sao chép công nghệ tạo ra mẫu YJ-91. |
Loại tên lửa này có thể tấn công các đài radar trên mặt đất lẫn các đài radar trên các tàu chiến. Truyền thông Nga nhận định, “điều này có nghĩa là hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của tàu chiến Nhật Bản đang phải đối mặt với “ lưỡi hái tử thần””.
Tên lửa của Trung Quốc và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang hình thành thế đối kháng. Trong khi Mỹ liên tục nâng cấp hệ thống Aegis thì Trung Quốc cũng không ngừng cải tiến YJ-91. Giới chức nước ngoài nhận định, tên lửa chống radar YJ-91 là khắc tinh của hệ thống chiến đấu Aegis.
YJ-91 dài 4,7m, trọng lượng 0,6 tấn, đường kính thân 360mm, trọng lượng phần chiến đấu nặng 90kg. Chuyên gia Trung Quốc nhận định, YJ-91 về khả năng sát thương và tốc độ bay thì cao hơn hẳn so với tên lửa AGM-45 Shrike và AGM-88 HARM của Mỹ. Đặc biệt, tầm phóng của tên lửa YJ-91 vượt 150 km, tốc độ bay của tên lửa cũng đã được tăng lên rất rõ rệt (Mach 4.5), rất nhiều tính năng đều ưu việt hơn sản phẩm cùng loại của Nga.
Tuy vậy, nhược điểm của YJ-91 đó là vấn đề trọng lượng. Trọng lượng đạn quá nặng, do vậy cần loại máy bay chuyên thực hiện nhiệm vụ chống radar, trong khi đó trọng lượng tên lửa AGM-88 của Mỹ chỉ bằng khoảng một nửa trọng lượng của YJ-91.
Cường kích JH-7 Không quân Hải quân Trung Quốc bắn thử nghiệm tên lửa chống radar YJ-91. |
Trong những năm gần đây, ngành chế tạo tên lửa Trung Quốc đạt được những thành công vượt bậc, đặc biệt là các loại tên lửa chống radar, trong đó phải kể đến tên lửa PL-16.
Tên lửa PL-16 với trọng lượng phóng chỉ khoảng 360 kg, tầm phóng khoảng 80 km (xa hơn 30 km so với tên lửa AGM-88 của Mỹ), tốc độ tối đa 2.280 km/h, sử dụng tấn công các radar phòng không, có thể trang bị cho tiêm kích hạng nhẹ J-10, J-8, J-7…
Ngoài ra còn có tên lửa chống bức xạ LD-10, với đường kính khoảng 203mm, trọng lượng 20 kg, tầm bắn khoảng 70km. Tên lửa này thích hợp trang bị cho nhiều loại máy bay hiện nay của Trung Quốc.