Mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hằng năm của Hà Nội luôn nóng vì tỉ lệ học sinh được học trường công thấp. Đầu tháng 7/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và xin Bộ GD&ĐT cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn trước mắt, trong đó có việc nâng sĩ số học sinh/lớp lên 10% (từ 45 lên 50 em); tăng 10% số lớp học trong mỗi trường (từ 45 lên 50 lớp/ trường); áp dụng thay diện tích đất/ học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Nếu đề xuất này được các cấp quản lý thông qua, Hà Nội sẽ áp dụng đối với các trường THPT công lập tại các quận nội thành và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành ngay từ năm học 2023-2024.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường THPT từ năm 2020, mỗi trường có tối thiểu 15 lớp, tối đa 45 lớp. Diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10 mét vuông cho một học sinh. Các hạng mục công trình trực tiếp phục vụ hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 4 tầng và phải bảo đảm điều kiện cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu thành phố Hà Nội sớm có giải pháp xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu người học |
Đề xuất của Sở GD&ĐT đã vấp nhiều ý kiến trái chiều, trong đó hiệu trưởng một số trường THPT tại khu vực nội đô cũng có ý kiến khác nhau, người cho rằng, diện tích trường học hiện nay đã rất chật hẹp, khó có thể tăng thêm lớp học. Việc xây chồng thêm tầng ở những trường đã cũ không đơn giản vì có trường đã được xây dựng từ lâu, kết cấu nền móng, tường có đảm bảo hay không cần có sự đánh giá một cách khoa học, an toàn.
Trái lại, cũng có người ủng hộ việc tăng 10% số phòng học hoặc tận dụng những ô đất nhỏ xây trường quy mô nhỏ để giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều không ủng hộ việc tăng sĩ số ở bậc THPT. Bởi lẽ, quy định hiện nay của Bộ GD&ĐT là bậc tiểu học sĩ số 35 em/ lớp; bậc THCS - THPT 45 em/ lớp.
Các nước phát triển, sĩ số học sinh chỉ từ 20-25 em, khi đó giáo viên mới có điều kiện quan tâm đến từng học sinh. Việc tăng sĩ số học sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, chưa kể không có không gian cho sinh hoạt, thể dục thể thao sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
Về đề xuất tăng sĩ số học sinh/ lớp của Hà Nội, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, trong các cuộc họp, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các Sở GD&ĐT quan tâm đến yếu tố chuẩn chất lượng, trong đó có chuẩn sĩ số.
Tăng chỗ học
Tổng kết năm học 2022- 2023, báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra, hiện nay bên cạnh một số địa phương có số lượng học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không nhiều hơn số chỉ tiêu tuyển sinh thì có thể đăng ký xét tuyển như Đắk Lắk, Gia Lai... vẫn còn một số địa phương thiếu trường công lập.
Cụ thể là số lượng trường THPT ít hơn số trường THCS không đáp ứng được nhu cầu của học sinh và phụ huynh đặc biệt là nhu cầu học lên THPT công lập. Việc xây mới trường lớp ở tại các địa phương còn gặp nhiều bất cập do thiếu nguồn tài chính, quỹ đất và đội ngũ giáo viên, điển hình như Hà Nội và TP HCM.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp; thực hiện tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; hoàn thiện quy định về số lớp của cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.
Liên quan đến đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, địa phương hiện có hệ thống trường công lập, trường tư thục, Trung tâm GDTX - GDNN đủ chỗ học cho học sinh nhưng vẫn cần đảm bảo đủ chỗ ở trường THPT công lập nếu học sinh có nhu cầu tiếp tục học tập.
“Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học, Bộ GD&ĐT yêu cầu thành phố Hà Nội có giải pháp khẩn trương tăng chỗ học, tăng trường THPT công lập đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Trong trường hợp bất đắc dĩ có thể xây nâng tầng cao hơn, tính diện tích sàn/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh nhưng phải đảm bảo an toàn, quy cách do Bộ Xây dựng quy định”, ông Sơn nói.