>>> Mời quý độc giả xem video "Các học trò hát "Tình ca" tiễn biệt NSND Trung Kiên". Nguồn Vietnamnet: |
Ca sĩ Lê Anh Dũng nghẹn ngào chia sẻ: "NSND Trung Kiên là người thầy đã dạy dỗ, dìu dắt và chỉ bảo cho tôi trong suốt quá trình học tập tại Học viện âm nhạc quốc gia VN. Trong 12 năm tôi học ở Học viện Quốc gia Việt Nam, thầy Trung Kiên đã dạy tôi 8 năm nên tình cảm thầy trò rất thân thiết. Tôi biết thầy bị bệnh gần 5 năm nay, thầy từng bị tai biến và đây là lần tai biến thứ 3 rất nặng.
Cách đây gần 1 tuần, tôi có vào viện thăm thầy, lúc đó thầy không biết gì rồi. Mọi người đã chuẩn bị tâm lý có thể thầy sẽ ra đi. Nhưng khi nhận được tin thầy qua đời, tôi vẫn thấy rất bàng hoàng, rất sốc. Sự ra đi của thầy là tổn thất lớn của nền âm nhạc Việt Nam.
Ca sĩ Lê Anh Dũng viếng người thầy - NSND Trung Kiên. |
Trong suốt thời gian làm học sinh của thầy, tôi được thầy chỉ bảo, định hướng rất nhiều. Kỹ năng hát của tôi cũng là do thầy dạy. Kỷ niệm thì nhiều lắm, thầy luôn ân cần với học sinh, không bao giờ quát mắng nặng lời. Thầy trưởng thành từ một nghệ sĩ hát Opera, thầy viết nhiều sách về âm nhạc rất chuyên sâu, kiến thức của thầy uyên thâm. Lúc tôi học nhạc thì thầy vừa mới nghỉ quản lý nên dành nhiều thời gian cho học sinh. Thầy là một người rất kỷ luật, nghiêm khắc, tôi may mắn khi là học sinh của thầy.
Thầy ra đi là tin rất buồn đối với anh chị em trong giới thanh nhạc. Thầy Trung Kiên là một nghệ sĩ có tài, có tâm, là một người có nhiều đóng góp cho nền thanh nhạc và âm nhạc Việt Nam".
Ca sĩ Trọng Tấn. |
Ca sĩ Trọng Tấn học trò của NSND Trung Kiên chia sẻ: "Các nghệ sĩ và học trò của thầy trong khoa thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đều biết là thầy đã mệt cách đây mấy năm và thầy cũng nhiều bệnh nền nữa. Thế nhưng tinh thần của thầy rất minh mẫn, thầy vẫn cố gắng hướng dẫn các sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, thầy đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam đến tận hơi thở cuối cùng.
Thầy cũng đau đáu việc xây dựng hệ thống đào tạo chuẩn mực thế giới ở Việt Nam đã bao năm nay. Thầy đã đóng góp những công trình to lớn với thanh nhạc, viết giáo trình không chỉ cho Khoa thanh nhạc mà còn cho các trường đào tạo chuyên nghiệp về thanh nhạc. Thầy luôn có định hướng rõ ràng cho sự phát triển của nền thanh nhạc Việt Nam, là cánh chim đầu đàn mà tôi và các học trò của thầy vô cùng trân trọng.
Tôi học với thầy hơi muộn, bắt đầu từ 1 năm rưỡi cuối Đại học. Sau đấy tôi công tác trong khoa luôn và được thầy chia sẻ kinh nghiệm cũng như đặt kỳ vọng vào lứa học trò như tôi để đóng góp vào việc đào tạo các thế hệ sau cho thanh nhạc. Suốt cuộc đời làm nghệ thuật cho đến quản lý Nhà nước và về sau tập trung cho đào tạo, các cương vị thầy đều làm việc với tâm huyết cao nhất. Trong lúc thầy quản lý ở Bộ, thầy vẫn quan tâm đào tạo thanh nhạc, không thể đếm được những nghệ sĩ nổi tiếng mà thầy đã đào tạo.
Biết là rồi cũng sẽ có khoảnh khắc này nhưng anh em chúng tôi cũng rất xúc động, đau xót và tiếc cho những công trình dở dang mà thầy đang làm để nâng cấp khoa Thanh nhạc. Tôi và anh em nguyện sẽ tiếp bước cống hiến của thầy để nâng cao chất lượng đào tạo mà thầy mong muốn.
Nhắc đến kỷ niệm với thầy thì rất nhiều. Nhưng có một điều mà tôi luôn ghi nhớ đó là các học trò của thầy bất kể là ai nhưng đến khi có sự thành công thì thầy đều trân trọng như những người bạn. Thầy luôn gọi tôi lên nhà để nói chuyện riêng. Với tôi thầy vừa là một nhà giáo, vừa như một người bạn hơn tuổi. Những chia sẻ của thầy với tôi luôn gần gũi và tinh tế, đó là điều tôi ngưỡng mộ và nhớ thầy rất nhiều".