Vị Thủ tướng trong lòng dân
Trong lễ tang của nguyên Cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều người không cầm được nước mắt khi đến kính viếng, nhắc lại hình ảnh một vị lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia có cuộc sống giản dị, gần dân.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, nguyên thành viên tổ tư vấn thời Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, với ông hôm nay là một ngày đau buồn. Ông Trương Trọng Nghĩa rất quý mến chú Sáu Khải bởi theo ông: "Đây là người giản dị, làm việc rất tận tụy và trách nhiệm".
Người dân Củ Chi đến thắp hương cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Vietnamnet. |
Theo ông Nghĩa, cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn khiêm tốn, lắng nghe những tiếng nói phản biện có tâm huyết. Đất nước thời kỳ chú Sáu Khải làm Thủ tướng không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn đi theo hướng bền vững, hợp tác tốt với nhiều quốc gia trên thế giới.
Còn trong hoài niệm của ông Trần Hữu Phước (85 tuổi) - người bạn đồng niên của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc làm công tác cải cách ruộng đất ở miền Bắc, thấy người dân ở Hà Nam nghèo đói, ông Sáu Khải đã lấy tiền túi ra mua giống khoai lang cho người dân trồng chống đói.
Ông Phước kể, thời gian tập kết ra Bắc và tham gia công tác giảm tô, cải cách ruộng đất ở Hà Nam, ông Sáu Khải thấy bà con ở xã Cát Lại, huyện Bình Lục quá đói khổ nên đã bỏ tiền túi dành dụm được bấy lâu, cho người dân mua giống khoai lang về trồng để chống đói.
"Khoai trồng chưa có củ nhưng người dân có thể hái rau để ăn, miễn là vượt qua cái đói" - ông Phước nhắc lại câu nói của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi ấy.
Theo ông Phước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xuất thân từ gia đình nông dân ở Củ Chi đất thép thành đồng, nên dù có chức trọng quyền cao, ông luôn sống bình dân, giản dị, hòa mình vào quần chúng.
Câu chuyện cảm động từ người em gái Cố Thủ tướng
Trong không khí vô cùng xúc động, bà Dự - em gái thứ 7 của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết - dù là em ruột nhưng phải 20 năm sau, bà mới lần đầu gặp anh trai là cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo lời bà Dự, cố Thủ tướng là người anh đầy trách nhiệm; là người con hiếu thảo. Ông chịu thiệt thòi khi mẹ mang bầu tháng thứ 4 thì ba qua đời. Chưa hết, tuổi thơ của ông phải sống trong cảnh khổ cực, ở với bà ngoại và phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.
“14 tuổi anh Khải đã tham gia cách mạng, sau đó tập kết ra Bắc. Sau giải phóng, anh mới có dịp trở lại quê nhà và lần đó tôi mới gặp anh lần đầu”- người em thứ 7 của cố Thủ tướng nghẹn ngào hồi tưởng.
Bà Dự, em gái của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Zing.vn |
Những ngày cuối đời, cố Thủ tướng Phan Văn Khải lâm bệnh điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, bà Dự thường xuyên đến thăm nhưng ông không nói được gì. Cách đây 1 tuần, khi cố Thủ tướng vừa được chuyển từ Singapore về bệnh viện Chợ Rẫy lần 2, bà đến thăm nhưng ông được cách ly để chăm sóc đặc biệt.
“Hôm đó, mấy anh cận vệ kéo rèm cửa, tôi gọi với vào: Anh Hai ơi, em là Dự, em gái anh đây. Em đến thăm anh, anh có khỏe hơn chưa, bớt đau chưa? Cô điều dưỡng nói anh có mở mắt và gật đầu, tôi mừng vô kể”- cô Dự nhớ lại.
"Chiều 16/3, lần cuối xuống thăm, bác sĩ nói sức khỏe của anh tôi xuống lắm rồi. Đến rạng sáng thì anh tôi vĩnh viễn ra đi” - bà Dự xúc động.
Những chuyện bình dị mà cảm động về Cố Thủ tướng
Ông Trần Quốc Toản, Thư ký Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ trên cổng thông tin Chính phủ: “Riêng chúng tôi, một số anh em (thư ký, bảo vệ, bác sĩ, giúp việc, phục vụ…) trực tiếp giúp việc cho anh còn hân hạnh nhận được tấm lòng ấm áp - chân tình của anh và chị Sáu (phu nhân của Anh).
Trong những năm tháng Anh công tác trong Chính phủ, ngôi nhà công vụ anh - chị ở số 11 phố Chùa Một Cột trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của anh - chị với chúng tôi. Hằng ngày, sau giờ làm việc, khi có thời gian, anh em chúng tôi thường đến chơi cầu lông cùng anh - chị tại đây rất vui vẻ và sôi nổi, nhiều lúc cũng đầy “máu ăn thua”.
Anh - chị và chúng tôi đã thành lập Đội cầu lông 11 Chùa Một Cột và đã đi giao lưu thi đấu một số nơi. Hầu như tháng nào, khi có thời gian rảnh, anh - chị cũng có bữa cơm “rau dưa” đãi anh em chúng tôi rất thân mật và thân tình; trong không khí này, ranh giới giữa Thủ tướng và những người giúp việc bị nhòa đi, chỉ còn lại tình anh - chị - em, cũng nói nhiều chuyện vui, chuyện tiếu lâm, chuyện hài hước…
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng kể lại những hồi ức đẹp về cố Thủ tướng: “Nghỉ hưu nhưng anh Sáu cũng không hề nghỉ ngơi mà tập trung chăm lo những việc mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Trong đó, với tâm huyết của mình, anh Sáu đã chủ trì đề xuất ý tưởng và cùng tham gia vào công trình xây dựng Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh từ khi có Ðảng đến ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Tuy tuổi đã cao, song anh Sáu vẫn tận sức chăm lo, quan tâm từng chút một, từ thiết kế chung đến từng loại ngói, cụ thể từng tấm bia bằng chất liệu gì được dùng trong công trình; nội dung ghi danh, mỗi chữ, mỗi dấu gạch ngang trên tấm bia đều được sự xem xét, góp ý rất cẩn trọng, tâm huyết của anh Sáu.
Còn với anh Nguyễn Thanh Phong - thợ cắt tóc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thì mình là người may mắn khi 4 năm nay được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải "chọn mặt gửi vàng" đến cát tóc hằng tháng.
Bức ảnh anh Phong chụp chung cùng bác Sáu Khải. Ảnh: Vietnamnet.
|
Anh kể, một buổi sáng 4 năm trước, khi cửa tiệm chưa mở, anh nhận được cuộc điện thoại báo có bác Sáu Khải đến cắt tóc. “Lúc đó tôi hồi hộp và có phần run sợ. 13 năm mở tiệm, tôi chỉ toàn cắt tóc cho bà con, công nhân làm việc ở xã Tân Thông Hội này. Có ai ngờ bác Sáu Khải chọn cửa tiệm nhỏ xíu của tôi để cắt tóc đâu”- anh Phong nhớ lại.
“Ít phút sau bác Sáu đi chiếc xe đạp điện, diện bộ áo quần bà ba dừng trước cửa tiệm. Bác dựng xe ngay ngắn, chậm rãi bước vào quán. Lúc đó tôi nửa mừng, nữa lo. Tôi mời bác lên ghế ngồi, thấy tôi run quá, bác nói: "Con cứ cắt tóc bình thường cho bác như mọi người khác thôi”- anh Phong nhớ lại.
Với những người hàng xóm, họ gọi bác Sáu Khải là "người hàng xóm tốt bụng”. Một cư dân nơi ông sống tại Củ Chi, dẫn cháu gái nhỏ đến viếng đám tang và nói: “Đường sá, trường lớp quanh đây khang trang cũng nhờ cậu Sáu (danh xưng mà bà con ở đây trìu mến gọi ông Khải) vận động xây dựng. Tụi tui coi cậu Sáu như một người hàng xóm tốt bụng”.