Đón chúng tôi ở một ngôi nhà nhỏ trên phố Vĩnh Hưng, Quân Long Biên, Hà Nội là một người đàn ông có khuôn mặt hiền từ và đôi mắt sáng , chỉ có điều anh phải di chuyển khá vất vả bằng chiếc xe lăn. Căn nhà nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Chị Lương, vợ anh đang lúi húi chuẩn bị bữa cơm chiều. Dịp nghỉ hè, hai cô con gái, một lên 3, 1 lên 8 của anh ở nhà chơi cùng bố. Thích thú với bộ phim hoạt hình nhưng chốc chốc hai cô con gái lại sà vào lòng bố, bá vai bá cổ. Mỗi lần như thế, ánh mắt của người đàn ông đã bước vào tuổi ngũ tuần lại lấp lánh vui.
“Sáng sáng tôi đi tập thể thao ở CLB người khuyết tật Hà Nội, chiều về phụ giúp vợ bán hàng ở cửa hàng tạp hóa. 4 người trong nhà trông cả vào đó, nhưng mình thấy đủ là đủ thôi. Tôi bây giờ hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình” Anh Dương tâm sự.
Gia đình hạnh phúc của anh Dương, chị Lương . |
Nhìn người đàn ông lạc quan của ngày hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng, cuộc dời anh đã trải qua nhiều bất hạnh. Năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên của một trường đại học quân đội, anh Dương đã không may gặp phải một tai nạn giao thông. Những chấn thương nghiêm trọng ở tủy sống đã khiến anh phải nằm viện điều trị nhiều năm trời. Sau đó, anh phải gắn bó cuộc đời mình với chiếc xe lăn. “ Bị liệt nửa người, lại thêm di chứng là vô sinh, tôi cảm thấy cuộc đời mình như đã khép lại ... Nghĩ mình chẳng biết sống chết khi nào nhưng là con trưởng, có một việc cần làm là sinh con để báo hiếu tổ tiên và có một chỗ dựa cho bố mẹ thì tôi nghĩ mình không bao giờ làm được...” Anh Dương nhớ lại quãng thời gian tuyệt vọng nhất trong cuộc đời mình.
Nhưng số phận đã không quá cay nghiệt. Hơn một chục năm sau, anh gặp chị Lương – vợ anh bây giờ. Chị Lương đi làm thuê cho một gia đình hàng xóm của anh Dương. Rồi từ bao giờ, sự cảm thông, yêu mến , cảm phục người đàn ông bại liệt bất hạnh đã khiến chị muốn gắn bó với anh nốt cuộc đời. Chị Lương kể: “Tình yêu của chúng mình cũng không có những phút hẹn hò lãng mạn gì đâu, quyết lấy anh là lấy cho dù gia đình, bạn bè ngăn cản rất nhiều. Mình cũng phải suy nghĩ lạc quan hơn , anh không có đôi chân thì mình là đôi chân của anh ấy”
Có được một người vợ yêu thương mình, rồi anh Dương lại đau đáu trong nỗi mong chờ có con. Những sinh hoạt gia đình của người khuyết tật như anh khó khăn, nhưng rồi cùng chính vợ anh đã cho anh niềm tin, khuyên nhủ, động viên để hai vợ chồng cùng tiến đến một hành trình mới, hành trình “tìm con” – dù biết trước không nhiều hy vọng.
Hai vợ chồng gõ cửa hết bệnh viện này đến phòng khám kia. Di chứng của tai nạn ở tủy sống đã khiến cho khả năng làm cha của anh Dương gần như là không còn. 5 năm, có những lúc, hy vọng tưởng chừng đã khép lại, chị Lượng lại động viên chồng: “Anh chịu khó đi khám, đi chạy chữa, là mình mừng lắm rồi”
Cơ duyên đưa anh chị đến với một chuyên gia đầu ngành về Nam học, Kiên trì mãi rồi “Trời không phụ lòng người”, đến năm thứ 6, sau 2 lần làm thụ thai ống nghiệm, chị Lượng đã có thai. Anh Dương còn nhớ rất rõ cảm giác khi đón tay đứa con đầu lòng “ Tôi cảm thấy hạnh phúc không gì tả nổi. Tôi đã được làm bố, và biết ơn vợ tôi rất nhiều”... Rồi 5 năm sau nữa, anh chị đón tiếp cô con gái thứ 2 cũng bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Hai cô con gái xinh xắn của anh Dương được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. |
Bao nhiêu năm bệnh tật, chạy chữa, giờ tài sản của gia đình anh Dương cũng không có gì nhiều. Thứ quý giá nhất với anh có lẽ chính là hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn. Hạnh phúc của anh chính là những bữa cơm chiều đầm ấm, ngập tiếng cười. Hạnh phúc nhỏ bé, với anh, đã là quá đủ.
Mời độc giả xem video: Thực phẩm hỗ trợ điều trị vô sinh hiếm muộn: