Nếu áp dụng đúng theo quy trình sản xuất, 1 ha trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng.
Được biết, đơn vị trồng và xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản này mở trang trại ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Để xuất khẩu được lá tía tô trên, công ty đã khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất, xây nhà kính và áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Hiện nay, mỗi ngày công ty này xuất khẩu sang Nhật vài chục nghìn lá. Phản hồi của khách hàng về lá tía tô của Việt Nam rất tốt. Dự kiến, nhu cầu lá tía tô của Nhật Bản mỗi năm trên 5 tỷ đồng/năm.
Giá bán mỗi chiếc lá tía tô vào nhà hàng tại Nhật là 500-700 đồng/lá. |
Bên cạnh yêu cầu khắt khe về kỹ thuật khi trồng, khi thu hoạch, các lá tía tô phải thu hoạch đúng ngày tuổi và có kích cỡ đều tăm tắp giống nhau, không được rách, nát. Nếu để quá lứa phải hái bỏ các lá đó đi.
Yêu cầu về sự đồng nhất từ hình thức đến chất lượng cũng như sự ổn định là rất cao. Đơn vị xuất khẩu phải đặt riêng một chỗ với hãng hàng không để đảm bảo ngày nào cũng có sản phẩm xuất sang Nhật Bản.
Trang trại có diện tích 11,3 ha, với tổng số vốn khoảng 150 tỷ đồng, triển khai từ tháng 7/2016. Trong đó 8,2 ha diện tích dành để xây dựng 12 nhà kính rộng từ 0,5-1,2 ha, còn lại là các công trình phụ trợ khác, như: nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…
Câu chuyện lá tía tô mở đường vào Nhật Bản không còn là chuyện “con cá lá rau”. Nó cho thấy tiềm năng rất lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản khi chuẩn hoá được theo đúng quy trình và yêu cầu khách hàng. Hiện nay, năng lực sản xuất của Việt Nam khá tốt với 11 nông sản (lúa gạo, cá tra, cà phê, tôm…) có năng suất dẫn đầu thế giới nhưng chất lượng và khâu chế biến, tiêu thụ còn rất yếu.
Nói cách khác là chúng ta vẫn quen bán cái mình có mà chưa sản xuất được sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Tình trạng mặt hàng nông sản, thực phẩm “nghẽn” đầu ra khiến giá bán giảm mạnh và sau đó là các cuộc giải cứu nối tiếp nhau: Chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi)… chủ yếu do thiếu công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, không liên kết theo chuỗi.
Theo báo cáo của Bộ NN&PT NT, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm của ngành nông nghiệp ước đạt 17,1 tỷ đôla Mỹ, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 15%. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là cà phê, hạt điều, rau quả.