Sự việc một cá nhân đã chi ra đến 105 tỷ đồng để mua cả lô 5 triệu cổ phần của CTCP Chăn nuôi Tiền Giang (Librexco) từ tay Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà nước (SCIC). Theo đó cá nhân này khá vung tay chi bạo cao hơn 61% giá khởi điểm để có được 97,42% vốn Librexco.
Vì không phải là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nên danh tính của vị “cá mập” này không được tiết lộ. Một điều khá khó hiểu ở đây là việc trước đó SCIC cũng đưa ra đấu giá số cổ phần trên với giá "hạt dẻ" hơn, có đến 7 nhà đầu tư cá nhân tranh nhau chào mua nhưng sau cùng đã bỏ cọc và số cổ phần đó vẫn chưa được chuyển nhượng.
Còn tại CTCP Phát triển Công trình Viễn thông (Telcom), 2 cá nhân chính thức là cổ đông lớn của Công ty sau khi mua vào tổng cộng 2,45 triệu cổ phiếu từ tay VNPT. Theo thông tin công bố, hai cổ đông là Nguyễn Hòa Hiệp và Lại Trung Dũng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hòa Hiệp mua 1,45 triệu cổ phiếu TEL, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên mức 29%. Song song đó, ông Lại Trung Dũng mua vào 1 triệu cổ phiếu TEL, nâng sở hữu từ 4,62% lên mức 24,62%. Được biết 2 cá nhân này trở thành cổ đông lớn của Telcom vào ngày 1/10.
Hai cá nhân này hầu như không liên quan đến người nội nào của Telcom cũng như không có chức vụ gì tại đây. Với giá trúng thầu là 27.500 đồng/cp, hai cá nhân trên đã chi ra hơn 67 tỷ đồng để nắm 49% vốn TEL.
Librexco và Telcom đang kinh doanh thế nào?
Librexco hoạt động trong lĩnh vực nuôi, bán heo giống, heo thịt, tinh heo và chế biến thức ăn chăn nuôi; địa bàn hoạt động tại tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận.
Doanh nghiệp sở hữu xí nghiệp nuôi heo 30/4 với diện tích 281.137 m2. Do ảnh hưởng của dịch bệnh tải lợn châu Phi, tính đến 30/6, đàn heo xí nghiệp có 78 con heo nái sinh sản, 3 con heo thịt và 119 con heo con.
Ngoài ra, doanh nghiệp có sản xuất thức ăn chăn nuôi cho nhiều vật nuôi khác nhau như cá, gà, vịt, heo, bò... với thương hiệu Mỹ Tường. Công ty có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Mỹ Tường với diện tích 10.416 m2.
Kết quả kinh doanh của Librexco không được khả quan trong các năm gần đây. Doanh thu giai đoạn 2017-2019 giảm dần từ 39 tỷ đồng về 22,5 tỷ đồng, nửa đầu năm nay chỉ đạt vỏn vẹn 5,5 tỷ đồng.
Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí, công ty lỗ ròng 15,7 tỷ năm 2017 và hơn 7 tỷ mỗi năm giai đoạn 2018-2019, đến nửa đầu năm nay lỗ tiếp 2,8 tỷ đồng.
Công ty cho biết thời gian qua đơn vị gặp nhiều khó khăn, biến động trong hoạt động sản xuất như giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi và cạnh tranh trên thị trường…
Năm 2020, với tình hình khó khăn tiếp diễn, doanh nghiệp đề ra kế hoạch doanh thu 23,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước; lãi sau thuế 179 triệu đồng.
Tình hình kinh doanh ảm đạm của Telcom. |
Telcom trước đây là Công ty Công trình bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện, được thành lập vào năm 1954. Năm 1961 đến tháng 11/2004 là Công ty Công trình bưu điện. Sau đó doanh nghiệp này được chuyển đổi thành công ty CP theo Quyết định số 59/2004/QĐ-BBCVT ngày 30/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông.
Ngành nghề kinh doanh chính của Telcom là thi công xây lắp các công trình viễn thông và tư vấn thiết kế các công trình viễn thông. Bên cạnh đó, Công ty còn hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ như: cho thuê văn phòng làm việc, sân tennis, kinh doanh kho bãi.
Hoạt động kinh doanh của Telcom lao dốc trong nhiều năm gần đây do thị trường bão hòa làm suy giảm đầu tư trong lĩnh vực xây lắp viễn thông.
Doanh thu giảm từ 80 tỷ năm 2016 xuống 57 tỷ đồng năm 2019. Lỗ ròng vào các năm 2016 và 2018 lần lượt 2,5 tỷ và 11 tỷ đồng, năm 2019 lãi hơn 1 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, Công ty còn lỗ lũy kế gần 10 tỷ đồng.
Hiện tại, Telcom quản lý và sử dụng 3 khu đất có diện tích 6.776 m2 tại Hà Nội, tất cả là đất thuê trả tiền thuê hàng năm.
Có thể thấy tình hình kinh doanh của 2 doanh nghiệp trên không mấy khởi sắc, tài sản khác như đất vàng hay được ví von cũng không sở hữu. Vậy mục đích chi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của các đại gia kín tiếng kia thực sự là gì?
Đại gia Hà Tĩnh thâu tóm đất vàng và ngồi ghế Chủ tịch Cao Su Sao Vàng
Trong năm 2016, giới đầu tư cũng bắt đầu chú ý tới cái tên Phạm Hoành Sơn - đại gia Hà Tĩnh đã thâu tóm đất vàng Cao Su Sao Vàng mà nhiều ông lớn địa ốc cũng nhăm nhe. Sau sự việc thâu tóm thành công này, ông Sơn mới được biết đến là một doanh nhân nổi tiếng miền Trung với tài sản là nhiều công ty con hoạt động từ thương mại, vận tải, khai khoáng, xây dựng cho tới đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung và Lào. Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 6/2019, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giảm tỷ lệ sở hữu tại Cao su Sao Vàng (SRC) từ 51% xuống 36% sau khi bán đấu giá thành công hơn 4,2 triệu cổ phiếu SRC. Bên mua là nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn do ông ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch. Đến Đại hội cổ đông bất thường của SRC được tổ chức hôm 16/12/2019, Đại hội đã bầu ông Phạm Hoành Sơn vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2016 – 2021. Sau hơn 10 ngày, chính xác vào ngày 28/12/2019, Hội đồng quản trị Cao su Sao Vàng đã công bố Nghị quyết thông qua việc bầu ông Phạm Hoành Sơn thay ông Lâm Thái Dương giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nhiệm kỳ 2016-2021. |