Sáng 30/3, 27 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được công bố khỏi bệnh. Trong số các ca khỏi bệnh đợt này có Nguyễn Hồng Nhung, 26 tuổi, được Bộ Y tế ghi nhận "bệnh nhân COVID-19 thứ 17". Cô là trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố ngày 6/3, khởi đầu chuỗi ca bệnh mới sau 21 ngày Việt Nam không ghi nhận thêm bệnh nhân ngoài 16 ca phát hiện và khỏi bệnh từ tháng 2.
Từ ngày 6/3, số ca dương tính tăng nhanh đến sáng nay tổng 194 ca, nguồn lây nhiễm chủ yếu người nhập cảnh lây nhiễm từ nước ngoài và lây nhiễm nội địa; lây nhiễm trong cộng đồng. Sau khi ra viện, Nguyễn Hồng Nhung sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định của pháp luật, khi Thủ tướng Chính phủ đã công bố tình trạng dịch bệnh thì việc áp dụng các biện pháp để phòng và chống dịch phải thực hiện theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có hoạt động kiểm dịch y tế biên giới theo Nghị định 89/2018/NĐ-CP tiến hành các hoạt động cách ly y tế theo Nghị định 101/2010/NĐ-CP Bao gồm thực hiện hoạt động khai báo ghi tế, kiểm tra y tế và xử lý tế, kiểm soát việc đi lại, lưu thông qua các cửa khẩu, càng không và tiến hành các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông về dịch bệnh, vệ sinh phòng bệnh, tổ chức điều trị cho những người mắc bệnh...
Trước khi phát hiện ca bệnh số 17, hoạt động phòng chống dịch bệnh Việt Nam đã thực hiện rất tốt, đạt hiệu quả cao. Thời điểm đó chúng ta đã tính đến chuyện công bố hết dịch và mọi hoạt động trở lại bình thường... Tuy nhiên đến khi xuất hiện ca bệnh số 17 COVID-19 là khởi nguồn cho một giai đoạn mới trong việc phòng chống dịch bệnh. Bệnh nhân này trở về từ châu Âu và mang theo mầm bệnh, làm lây nhiễm cho nhiều người khiến cả khu vực phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội phải cách ly 14 ngày.
Bệnh nhân COVID-19 số 17 đã khỏi bệnh |
Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì cô gái này đã đi nhiều nước trước khi nhập cảnh trở lại Việt Nam, trong đó có những khu vực đã bùng phát dịch bệnh, điều đặc biệt là cô gái này đã tiếp xúc với chị gái của mình cũng đang mắc bệnh, khi trở về sân bay thì cô gái này đã biết tin chị gái nhiễm bệnh COVID-19.
Tuy nhiên cô gái này đã che giấu không tin, không khai báo chính xác về lịch trình di chuyển của mình, cũng như không khai báo về tình trạng sức khỏe của mình dẫn đến việc bỏ lọt trong hoạt động cách ly y tế đối với cô gái này.
Hành vi của cô gái này đã bị dư luận xã hội phản ứng dữ dội, lên án và nhiều ý kiến yêu cầu xử lý nghiêm minh đối với cô gái này. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật cũng như chính sách nhân đạo thì việc điều trị bệnh, cứu chữa cho bệnh nhân là việc hàng đầu, quan trọng.
Bởi vậy mọi chỉ trích, thủ tục pháp lý để áp dụng chế tài đối với cô gái này bị bỏ sang một bên để thực hiện hoạt động cứu, chữa cho cô gái này đảm bảo an toàn tính mạng. Đến nay, cô gái này đã khỏi bệnh và được xuất viện, đây là một tin vui đối với gia đình, người thân của cô gái này. Tuy nhiên câu chuyện trách nhiệm pháp lý cũng không vì thế mà bỏ qua.
Cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ hành vi của cô gái này khi nhập cảnh vào Việt Nam, làm rõ có việc khai báo gian dối hay không, mức độ gian dối như thế nào, nhận thức của cô gái này như thế nào khi khai báo không trung thực dẫn đến hậu quả nhiều người bị lây nhiễm bệnh, phải thực hiện biện pháp cách ly cả một khu phố. Từ đó sẽ có căn cứ để xem xét xác định trách nhiệm pháp lý là xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật thì những người tiếp xúc với người mắc bệnh, những người đi qua vùng dịch và những người có biểu hiện của bệnh lý như ho, sốt, khó thở là những trường hợp bắt buộc phải cách ly. Nếu cô gái là nhận thức được rằng mình thuộc một trong các trường hợp phải cách ly y tế nhưng cố tình giấu diếm thông tin về lịch trình di chuyển, về quá trình tiếp xúc của mình đối với người nhiễm bệnh COVID-19, về biểu hiện bệnh lý của mình để trốn tránh cách ly thì hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Luật sư Đặng Văn Cường |
Trong vụ việc này đối với vấn đề xem xét trách nhiệm pháp lý thì yếu tố nhận thức chủ quan của cô gái này và hậu quả xảy ra là những yếu tố quan trọng để quyết định đến việc cô gái này có bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Trong đó hậu quả việc đi lại, tiếp xúc, sinh hoạt của cô gái này đã làm nhiều người bị lây lan dịch bệnh, vấn đề này đã có những chứng cứ rất rõ ràng. Vấn đề còn lại là chứng minh cô gái này có hành vi vi phạm pháp luật hay không, có hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng hay không? Đây là trách nhiệm chứng minh của cơ quan chức năng, cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ yếu tố lỗi của hành vi làm lây lan dịch bệnh, lỗi thể hiện ở chỗ cô gái này có nhận thức được việc mình có thể mắc bệnh hay không, nếu đã nhận thức được việc đó thì có cố ý thực hiện việc trốn tránh cách ly, trở về nhà dẫn đến bỏ mặc hậu quả làm lây lan dịch bệnh ra người khác hay không.
Nếu Cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh được lỗi cố ý gián tiếp (nhận thức được việc khai báo gian dối của mình là vi phạm pháp luật, nhận thức được rằng bản thân mình đang mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh, cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là khai báo gian dối, trốn tránh cách ly, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh lây lan có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng dịch bệnh đã xảy ra, làm lây lan dịch bệnh ra người khác) thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cô gái này theo quy định tại điều 240 bộ luật hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm chuyển nhiệm cho người.
Như vậy, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải chứng minh được các dấu hiệu cấu thành của tội danh này trong đó phải chứng minh được cô gái này có hành vi vi phạm pháp luật, có lỗi dẫn đến hậu quả dịch bệnh làm lây lan, lỗi ở đây phải là lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp) thì cô gái này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đối mặt với hình phạt là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 1, điều 240 bộ luật hình sự nêu trên.
Trong trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được lỗi cố ý của cô gái này (cô gái này không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, không cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để bỏ mặc hậu quả việc lây lan dịch bệnh có thể xảy ra) thì không có cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý.
Về nguyên tắc thì trách nhiệm pháp lý chỉ đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật, trong đó hành vi vi phạm pháp luật thì đòi hỏi phải có yếu tố lỗi của người vi phạm. Lỗi ở đây là vấn đề nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi. Vấn đề này cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận làm cơ sở giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trả lời những thắc mắc của dư luận và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm.
>>> Xem thêm video: Thêm 30 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện (Nguồn VTC Now)