Sau khi khối các trường công an có thủ khoa và nhiều thí sinh điểm cao đến từ Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn… thì đến lượt các trường quân đội cũng có rất nhiều thí sinh điểm cao, thậm chí có thủ khoa, á khoa đến từ những tỉnh này.
Nếu không có năng lực thật sự, các thí sinh gian lận trong thi cử sẽ bị nhà trường và xã hội đào thải (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: TẤN THẠNH |
Hai thủ khoa là thí sinh Lạng Sơn
Theo danh sách thí sinh trúng tuyển Học viện Biên phòng vừa công bố, thủ khoa của trường ở tổ hợp C00 là thí sinh Chu Văn Tuấn đến từ cụm thi tỉnh Lạng Sơn đạt tổng điểm 29. Á khoa là Ma Văn Dung đến từ cụm thi tỉnh Cao Bằng. Xếp thứ ba là thí sinh Hoàng Văn Hồng đến từ Sơn La. Trong tổng số 77 thí sinh trúng tuyển ở tổ hợp C00 vào Học viện Biên phòng thì tỉnh Sơn La có tới 7 người.
Thí sinh có điểm cao nhất trúng tuyển Học viện Kỹ thuật Quân sự là Mai Việt Tùng (Sơn La) với 27,9 điểm (Tùng được cộng 0,75 điểm ưu tiên nên tổng điểm là 28,65). Nếu tính cả điểm ưu tiên thì thí sinh có điểm cao nhất là Phạm Ngọc Hùng (Thanh Hóa) với tổng điểm 30,15 (cộng 2,75 điểm ưu tiên). Xếp thứ hai tính cả điểm ưu tiên là thí sinh Bùi Ngọc Sơn (Hòa Bình) với tổng 29,75 (cộng 2 điểm ưu tiên). Hòa Bình cũng là tỉnh đóng góp vào danh sách thí sinh trúng tuyển của Học viện Kỹ thuật Quân sự 9 thí sinh, trong đó có 2 thí sinh tự do.
Trong danh sách 474 thí sinh trúng tuyển vào hệ quân sự Học viện Hậu cần năm 2018, cả thủ khoa và á khoa đều là thí sinh ở cụm thi Hòa Bình. Đó là thí sinh Đỗ Trung Giang, có tổng điểm 28,70 và thí sinh Nguyễn Hà Hải Đăng có tổng điểm 28,25.
Nếu phát hiện nâng điểm, phải xử lý cả thí sinh
Dù hiện nay chưa có kết luận nào về kết quả điểm thi rất cao vào các trường công an, quân đội của thí sinh các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La… nhưng sau những gian lận điểm thi được phát hiện vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng cần xem lại cách xử lý đối với thí sinh bị phát hiện.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng những trường hợp thí sinh bị phát hiện nâng điểm phải hủy kết quả thi và cấm thi trong năm tiếp theo thay vì hạ điểm. Ông Dũng lý giải rằng những trường hợp này đều đã có sự cấu kết từ trước nên có thể coi như đồng phạm trong gian lận chấm thi.
Cùng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng phải hủy kết quả bài thi của những thí sinh được nâng điểm vì đây là hành vi vi phạm có tổ chức. Trong quy chế, những thí sinh mang tài liệu vào phòng thi dù sử dụng hay không, khi phát hiện đều bị đuổi ra. Việc hủy kết quả thi không chỉ răn đe thí sinh mà còn răn đe những phụ huynh có tư tưởng gian lận. Thí sinh bị hủy kết quả muốn kiện ai nâng điểm thì kiện.
Đồng tình, một chuyên gia giáo dục cho rằng khi một thí sinh mang tài liệu vào phòng thi dù có sử dụng hay không đều bị lập biên bản vi phạm quy chế và ra khỏi phòng thi. Vậy thì tại sao trong trường hợp thí sinh được nâng điểm trong gian lận có tổ chức lại không bị hủy kết quả?
Đại diện một trường đại học tại TP HCM cho rằng kết quả thi phải bị hủy bởi nếu thí sinh vi phạm quy chế trong phòng thi thì chỉ là vấn đề của thí sinh; trong khi trong trường hợp gian lận điểm thi là một hệ thống bởi dùng tiền, quyền gây ảnh hưởng đến xã hội, đến ngành giáo dục.