Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), mẩu quảng cáo trên trang Taobao viết: “Đợt rao bán cô dâu Việt Nam nhân ngày Song thập nhất”. Đây là Ngày độc thân, một lễ hội mua sắm được Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tổ chức ngày 11/11 hằng năm.
Mẩu quảng cáo đăng trên Taobao. - Ảnh: SCMP |
“Chỉ với 9.992 NDT, bạn có thể đem về nhà một cô vợ Việt xinh đẹp” - mẩu quảng cáo khẳng định. Mẩu quảng cáo này có đăng kèm hình nữ diễn viên Trung Quốc Chương Tử Di cùng thông tin bổ sung rằng 98 “kiện hàng” có sẵn trong kho, sẵn sàng được chuyển từ tỉnh Vân Nam tới bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc.
Hồ sơ trên trang Taobao cho biết đơn vị đăng mẩu quảng cáo này là cửa hàng lưu niệm Wang Xiao Xi. Trong 30 ngày qua, cửa hàng này đã bán hơn 2.568 mặt hàng, bán chạy nhất là vớ chân. Đến 4g chiều 11/11, đoạn quảng cáo này đã bị rút xuống.
Do tình trạng trọng nam khinh nữ và chính sách một con, Trung Quốc rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính cực kỳ nghiêm trọng. Hiện số nam giới Trung Quốc nhiều hơn nữ tới 33,8 triệu người.
Năm 2013, chính quyền Trung Quốc cho biết tỉ lệ mất cân bằng giới tính lên tới 117,6 bé trai trên 100 bé gái. Ở các vùng nông thôn, có làng tỉ lệ này thậm chí còn tăng lên tới 150 bé trai trên 100 bé gái.
Thị trường nhập khẩu cô dâu tại Trung Quốc đang ngày càng mở rộng. Theo báo Tin Tức Bắc Kinh, đàn ông ở nông thôn Trung Quốc có thể phải chi tới 18.500 USD để cưới một cô vợ nước ngoài.
Theo điều tra của tạp chí The Diplomat, có tới 90% phụ nữ CHDCND Triều Tiên trốn sang Trung Quốc bị ép lấy chồng ngoài ý muốn hoặc trở thành gái điếm.
Phụ nữ các vùng nông thôn ở Việt Nam cũng trở thành mục tiêu. Đã xảy ra rất nhiều vụ cô dâu Việt sang đến Trung Quốc rồi bỏ trốn vì nhiều lý do, trong đó có lý do các cô bị bạo hành.
Nguyên nhân bởi như phân tích ở trên, đa số đàn ông lấy vợ nước ngoài ở Trung Quốc đều là dân nông thôn, nghèo nàn, ít học, trong nhiều trường hợp hay bạo hành phụ nữ.