Xiaomi toan tính gì khi ra mắt smartphone giá 1,7 triệu tại VN?

Sau quãng thời gian không mấy thành công với mô hình bán điện thoại online ở Việt Nam, Xiaomi đang tìm hướng đi khác, nhưng có nét tương đồng với các đối thủ như Oppo, Samsung.

Sau một năm không thành công với mô hình bán hàng trực tuyến, Xiaomi đã khởi đầu 2018 tại Việt Nam bằng sự kiện ra mắt smartphone Redmi 5A, model phổ thông giá rẻ nhất của hãng.
Trên sân khấu sự kiện, Xiaomi mở đầu bằng cách kể một câu chuyện những người chưa có smartphone ở Việt Nam, dẫn ra số liệu cho thấy đây là thị trường tiềm năng, và cũng không ngại ngần so sánh trực tiếp cấu hình của chiếc Redmi 5A với các smartphone ngang giá đến từ Samsung, Oppo, Huawei, Asus.
Lei Jun - CEO của Xiaomi, công ty đang chuẩn bị IPO được đồn đoán giá 100 tỷ USD - theo Bloomberg, cũng xuất hiện tại sự kiện này.
"Tôi không thích bị gọi là Steve Jobs hay Bill Gates của Trung Quốc", Lei Jun nói. Ông từ chối nói về IPO, hay sự ảnh hưởng sau khi Hugo Barra rời Xiaomi để trở về Facebook.
"Chúng tôi đến Việt Nam để có cái nhìn rõ hơn về thị trường này. Ưu tiên của Xiaomi trong năm 2018 ở đây là tập trung vào khả năng phân phối sản phẩm. Trước mắt là smartphone, sau đó là các đồ gia dụng thông minh", Lei Jun nói khi được hỏi về cách tiếp cận thị trường Việt Nam trong lần ra quân mới.
CEO Lei Jun của Xiaomi tại buổi ra mắt Redmi 5A. Ảnh: Duy Tín.
 CEO Lei Jun của Xiaomi tại buổi ra mắt Redmi 5A. Ảnh: Duy Tín.
Sau đó, vị CEO này dành nhiều thời gian chia sẻ về triết lý làm sản phẩm, về mong muốn phổ cập smartphone đến tất cả ngóc ngách của thị trường với mức giá rẻ. Đây là những thông tin mang tính quảng bá là chính, từng được cấp dưới của ông nhắc đi nhắc lại ở nhiều sự kiện trước đây, nhưng có một điều không ai nói ra, ẩn chứa trong chính sách giá của hãng áp dụng cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Xiaomi đang 'giết' các cửa hàng xách tay ở Việt Nam
Khi Donovan Sung, Giám đốc sản phẩm và marketing của Xiaomi, công bố mức giá Redmi 5A ở Việt Nam chỉ 1,7 triệu đồng, rẻ hơn nửa triệu so với giá máy ở Trung Quốc, nhiều khách mời đã bị bất ngờ. Có người liên tưởng đến cú "phá thị trường"của Huawei vào cuối năm ngoái khi tung ra mẫu Nova 2i. Có người tin rằng đó là nỗ lực thực sự của Xiaomi trong việc tiếp cận nhóm người dùng đang có ý định mua smartphone nhưng thu nhập thấp.
Nhưng với những cửa hàng chuyên bán đồ "xách tay" Xiaomi đang mọc lên ở Hà Nội và TP.HCM, họ có thể phải e sợ với động thái này. Việc Xiaomi bán sản phẩm ở Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc đặt ra nguy cơ lỗ vốn cho những ai đang có ý định nhập, hoặc đã trót "ôm hàng" giá cao từ đầu nậu.
"Nay chỉ mới giảm giá con điện thoại, lỡ mai họ bán rẻ thêm các sản phẩm khác thì các cửa hàng xách tay sẽ không còn nhập hàng từ Trung Quốc nữa, mà có thể sẽ nhập chính hãng của Xiaomi để bán tại Việt Nam, qua đó làm đại lý cấp 1, cấp 2 cho họ", đại diện một nhà bán lẻ ở Việt Nam nhận định.
Nhận xét trên không phải thiếu cơ sở. Nói với Zing.vn, CEO Lei Jun tiết lộ ở Indonesia, thị trường khá tương đồng với Việt Nam, các cửa hàng xách tay Xiaomi đã không còn tồn tại. Nhưng ông không tiết lộ cách thức cụ thể.
Xiaomi ra mắt Redmi 5A tại Việt Nam bằng màn so sánh cấu hình với các đối thủ đến từ Samsung, Oppo. Ảnh: Duy Tín.
 Xiaomi ra mắt Redmi 5A tại Việt Nam bằng màn so sánh cấu hình với các đối thủ đến từ Samsung, Oppo. Ảnh: Duy Tín.
Theo thống kê do Xiaomi công bố tại sự kiện, tỷ lệ sở hữu smartphone ở các thành phố lớn của Việt Nam là 84%, đô thị loại 2 là 71% và 68% người dùng điện thoại ở nông thôn sở hữu smartphone.
Số phần trăm còn lại từng được DigiWorld - thế lực cũ trong mảng phân phối - ví như "đại dương xanh", khiến họ nhập về hàng loạt smartphone của Obi, Intex, Wiko... với tham vọng "đánh chiếm" vùng nông thôn Việt Nam. Giờ đây, đó chính là miền đất hứa của Xiaomi trong 2018, chứ không phải nhóm di động tầm trung hay cao cấp - nơi Oppo, Samsung, Apple đang đánh nhau nảy lửa.
Đó cũng là lý do CEO của một công ty được đồn đoán giá 100 tỷ USD sau IPO có thể đứng tươi cười chụp ảnh tại một trung tâm hội nghị ở quận 1, TP.HCM dù cầm trên tay chiếc điện thoại trị giá 1,7 triệu đồng.
Redmi 5A không phải là "kẻ giết chết iPhone" như lúc ông cầm Mi Mix 2 hay Mi 6 tại Trung Quốc. Model này thuộc nhóm phổ thông, được coi là quân cờ phù hợp giúp Xiaomi tiến vào thị trường mà cứ có trong tay trên 10 triệu đồng, khách hàng sẽ nghĩ ngay đến việc mua Galaxy Note hoặc iPhone, theo thống kê từ GfK.
Bàn đạp cho giấc mơ Mỹ?
Cú quay lưng của các nhà mạng lớn ở Mỹ trong tuần qua khiến "giấc mơ Mỹ" của Huawei tan vỡ. Khi được hỏi liệu Xiaomi có tham vọng tương tự Huawei hay không, ông Lei Jun cho rằng 2019 sẽ là thời điểm thích hợp để Xiaomi đổ bộ vào thị trường khó tính nhất thế giới.
Trên thực tế, chưa có thương hiệu lớn nào của Trung Quốc có chỗ đứng tại Mỹ. Bên ngoài Trung Quốc, Xiaomi mạnh nhất ở Ấn Độ, Huawei thắng lớn ở Thái Lan, trong khi Oppo và Vivo đang lan tỏa mạnh ở Đông Nam Á. Hiện chỉ có OnePlus, một nhánh con của BBK Electronics, anh em cùng một nhà với Oppo và Vivo, "được lòng" giới công nghệ Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng doanh số hạn chế và chỉ ở mức làm hình ảnh.
Shaun Rein, tác giả của cuốn "The End Of Cheap China" (Chấm dứt thời đại Trung Quốc giá rẻ) tin tưởng rằng thời đại gia công của Trung Quốc sắp kết thúc. Và thực sự, Xiaomi đang là ví dụ điển hình.
Hãng đã mở nhà máy thứ 2 tại Ấn Độ trong năm 2017 và có kế hoạch thêm một nhà máy nữa tại thị trường này. Nhân công rẻ, đông và cộng đồng khởi nghiệp công nghệ đông đảo, có thể đóng góp thêm nhiều sản phẩm mới lẫn bằng sáng chế là lý do "Apple Trung Quốc" chọn Ấn Độ làm ngôi nhà thứ hai tại châu Á, trước khi nghĩ đến việc đi xa hơn đến bán cầu Tây.
Kết quả kinh doanh quý III/2017 từ IDC cho thấy Xiaomi (thị phần 7,4%) thuộc top 5 thương hiệu smartphone toàn cầu, sau Samsung (22%), Apple (12%), Huawei (10%) và Oppo (8%). Huawei đã dừng bước trước bức tường Mỹ, đòi hỏi những thương hiệu đi sau phải có sự dài hơi hơn và lối đánh hợp lý hơn. "Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm", ông Lei Jun nói với giới báo chí Việt Nam tại TP.HCM.

Tin mới