Chiều 24/12, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô. Theo đó, HĐXX tuyên cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô Dương Văn Hòa 12 năm tù về tội "Giả mạo trong công tác", theo điều 359 Bộ luật hình sự.
Cùng tội danh, các bị cáo Trần Kim Oanh (Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục) lĩnh 10 năm tù; người đồng cấp với bà Oanh là ông Lê Ngọc Hà nhận 9 năm tù.
Các bị cáo tại tòa. |
7 bị cáo còn lại, gồm: Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) bị phạt 6 năm tù, không áp dụng hình phạt bổ sung; Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng Phòng Tài chính, kế toán) lĩnh 3 năm tù, phạt bổ sung 10 triệu đồng; Phạm Vân Thùy nhận 30 tháng tù; Lê Thị Thanh Tâm 30 tháng tù treo; Nguyễn Thị Ngọc Thái lĩnh 24 tháng tù treo; Lê Thị Lương 15 tháng tù treo và Ngô Quang Hiển 12 tháng tù treo. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Đại học Đông Đô nộp hơn 7,1 tỷ đồng khoản thu lời bất chính từ việc cấp bằng giả học viên để sung công Nhà nước.
Bản án xác định các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm các hoạt động hợp pháp của cơ quan tổ chức, gây dư luận xấu, bất bình, mất niềm tin trong xã hội và làm giảm chất lượng đào tạo sau đại học của nói chung. Cơ quan tố tụng cho biết chủ mưu của vụ án là Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, hiện Hùng đang trốn truy nã nên cơ quan điều tra sẽ xử lý khi bắt được bị can này.
Theo bản cáo trạng, Trường Đại học Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị và chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2, trong đó có ngành tiếng Anh.
Quá trình tuyển sinh đào tạo, Trần Khắc Hùng thấy nhiều người có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh nên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chỉ đạo ban giám hiệu, Viện Đào tạo liên tục, Viện 4.0… thực hiện cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho người có nhu cầu lấy bằng không qua tuyển sinh, đào tạo theo quy định.
Từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính hơn 7,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và đã được sử dụng. Còn 221 trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.
Trong số 210 trường hợp được cấp bằng và chứng chỉ giả của Trường Đại học Đông Đô (công an làm rõ), 76 người đã sử dụng vào mục đích cá nhân, gồm: 67 người làm nghiên cứu sinh, hai người học thạc sĩ, bốn người kê khai hồ sơ công chức và viên chức, ba người thi công chức hoặc thi thăng hạng.
>>> Xem thêm video: 55 người làm bằng giả do Đại học Đông Đô cấp để làm Tiến sĩ
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.