![]() |
Bị cáo Lê Xuân Giang. |
Giang khai mình là người lính, "chỉ mong muốn làm ăn chân chính, bài bản, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân". Tuy nhiên, do một số cá nhân muốn trục lợi nên cố tình khuếch trương về công ty, khiến người khác hiểu sai về mô hình hoạt động. Chủ tọa tiếp tục hỏi Giang có nhớ đã thu bao nhiêu tiền của các bị hại. Bị cáo khai đến nay đã 5 năm nên không thể nhớ chi tiết, các con số đều do kế toán của công ty làm việc với cơ quan điều tra.
Về số tiền hơn 2.100 tỷ đồng thu của 68.000 bị hại mà cáo trạng nêu, Giang cho rằng điều này là không chính xác, vì trong đó có rất nhiều mã sản phẩm ảo. "Con số thực tế là những khách hàng có hợp đồng cụ thể, phiếu thu đúng quy định của công ty", Giang nói.
Theo cáo trạng, lợi dụng việc công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh hàng đa cấp với hàng hóa do công ty BQP sản xuất, Lê Xuân Giang cùng các bị cáo dùng thủ đoạn gian dối, cung cấp thông tin sai lệch khiến nhà đầu tư nghĩ Liên Kết Việt là công ty con của công ty BQP thuộc Bộ Quốc phòng.
Để tạo thêm lòng tin, ông Giang cùng các bị cáo thuê người làm giả bằng khen của Thủ tướng và đưa ra những khoản khuyến mại lớn như nộp 7 triệu đồng sẽ được thưởng hơn 400 triệu. Hoặc nhà đầu tư vận động được nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp sẽ được thưởng ôtô trị giá một tỷ đồng, hoặc căn nhà trị giá 1,8 tỷ đồng.
Với thủ đoạn trên, sau một năm hoạt động, tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp. Tổng cộng, công ty Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1.121 tỷ đồng. Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử vụ án này diễn ra trong 10 ngày, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật. Sáng 22/12, HĐXX và đại diện VKSND tiếp tục xét hỏi 7 bị cáo.
Nguồn: VTV 1.