Theo đó, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1980, Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) 10 năm tù về tội “Buôn lậu”, 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là 14 năm tù.
Tòa đã tuyên án phạt 12 bị cáo về tội "Buôn lậu": Trần Ngọc Ánh (SN 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) 13 năm tù; Đỗ Quốc Huy (SN 1983, Giám đốc Bán hàng của Công ty Nhật Cường) 9 năm tù;
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Ngoài án phạt tù, Hội đồng xét xử còn tuyên tịch thu xung công quỹ hơn 774 triệu đồng được thu giữ khi cơ quan chức năng khám xét tại Công ty Nhật Cường, số tiền có trong 7 tài khoản của bị can Đoàn Mạnh Phong, tịch thu một số tang vật trong vụ án.
Tất cả 13 bị cáo bị buộc tội “Buôn lậu” trong vụ án còn phải liên đới nộp khoản tiền thu lợi bất chính là hơn 221 tỷ đồng, trong đó bị cáo Trần Ngọc Ánh phải nộp gần 70 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc - 40 tỷ đồng, Đỗ Quốc Huy - 30 tỷ đồng, Trần Tất Khoa và Ngô Tuấn Sửu cùng phải nộp 15 tỷ đồng…
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu và gian lận kế toán tại Công ty Nhật Cường.
Bùi Quang Huy đã chỉ đạo các bị cáo: Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Đỗ Quốc Huy, Nông Văn Lư, Mai Tiến Dũng, Hoàng Văn Phong, Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương, Bùi Quốc Việt phạm tối với vai trò là những người thực hành, người giúp sức.
Bị cáo Nguyễn Bảo Trung, các bị can Đoàn Mạnh Phong và Cao Tuấn Hưng trực tiếp vận chuyển trái phép hàng hóa, giúp sức cho Bùi Quang Huy buôn lậu. Bị cáo Ngô Đức Tùng giúp sức cho các bị can Đoàn Mạnh Phong và Cao Tuấn Hưng phạm tội, tiếp nhận hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường…
Bản án sơ thẩm kết luận, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, gây rối loạn thị trường.
Hành vi đó còn gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân nên cần phải được xử lý thật nghiêm minh nhằm giáo dục, cải tạo, trừng trị riêng và phòng chống tội tội phạm nói chung, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong giai đoạn hiện nay; làm suy thoái đạo đức, lối sống và cách hành xử của một bộ phận cán bộ, đảng viên…
Do vậy, việc khởi tố, truy tố, đưa các bị cáo ra xét xử và áp dụng hình phạt nghiêm minh đối với từng bị cáo, đối với mỗi tội danh, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi của từng bị cáo là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân có hành vi đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, của nhân dân và xã hội; cải tạo, giáo dục những người còn khả năng hoàn lương, cũng như có tác dụng đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung, nhất là các tội phạm về kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Trong vụ án này còn có các bị can: Bùi Quang Huy, Ngô Xuân Sử, Đỗ Văn Hùng, Đoàn Mạnh Phong, Cao Tuấn Hưng, Nguyễn Hoàng Sơn, Lê Xuân Dũng hiện đang bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra các bị can.
Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương điều tra, truy bắt những đối tượng nêu trên, đặc biệt là bị can Bùi Quang Huy, để đưa ra xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hồ sơ vụ án cũng phản ánh còn có một số đối tượng khác là những nhà cung cấp, các đường dây vận chuyển hàng lậu, các đường dây trung gian chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, giúp sức cho Bùi Quang Huy và các đồng phạm buôn lậu… Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cần tiếp tục điều tra, xem xét, làm rõ vai trò, trách nhiệm, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.
>>> Xem thêm video: Truy nã Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường. Nguồn: VTV24.