Sáng 29/11, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Tấn Phước (41 tuổi, cựu cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) về các tội giết người và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Cựu Trung uý CSGT tỉnh Đồng Nai bắn chết người tại toà. |
Bên cạnh đó, hàng chục cán bộ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong đó có cả lãnh đạo cấp phòng. Tuy nhiên nhiều người trong danh sách triệu tập đã không đến tòa vào sáng nay.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, bị can Phước là cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, có quan hệ tình cảm với bà Trang (44 tuổi, ngụ TP Biên Hòa). Con gái bà Trang tên là Như (20 tuổi) có quan hệ tình cảm với anh Bùi Việt Hải (31 tuổi, quê Hải Phòng).
Do Như thường bỏ nhà đi theo Hải nên bà Trang nhờ Phước khuyên Như về nhà. Tìm hiểu, Phước biết Hải đang thuê nhà ở khu vực cổng 1 của sân bay Biên Hòa.
Chiều tối 6/1/2018, sau khi uống rượu cùng bạn bè, Phước về cơ quan lấy tư trang quần áo và khẩu súng rulo (khẩu súng Phước được cấp vào năm 2010) rồi đi xe máy về nhà. Trên đường đi, Phước nhớ chuyện bạn gái nhờ đi tìm Như nên chạy xe đến khu nhà trọ nơi Hải đang ở.
Bị can Phước tại toà. |
Tới nơi, Phước dựng xe trước cửa khu phòng trọ, lấy khẩu súng ra dắt vào thắt lưng rồi đi bộ tới phòng của Hải. Thấy anh Hải đang đứng giữa phòng, Phước lên tiếng hỏi tung tích của Như nhưng nam thanh niên này nói không biết.
Nghe Hải trả lời, Phước rút súng cầm trên tay phải bắn trúng đầu Hải rồi ra ngoài, bỏ súng vào cốp xe máy sau đó phóng xe bỏ chạy. Nạn nhân Hải được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Viện kiểm sát cũng đã làm rõ nguồn gốc khẩu súng gây án. Theo đó, năm 2004, Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đồng Nai cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng cho phòng Hậu cần sử dụng khẩu súng rulo nhãn hiệu P38, thời hạn đến hết năm 2007.
Năm 2010, Phước là lái xe cho thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - nguyên giám đốc Công an Đồng Nai. Ông Lê Hùng Hà, nguyên Trưởng phòng Hậu cần, phê duyệt đơn xin cấp súng cùng 50 viên đạn cho Phước nhằm mục đích bảo vệ giám đốc công an tỉnh.
Công an khám nghiệm hiện trường. |
Hai năm sau, Công an Đồng Nai điều động Phước qua công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông. Thiếu tướng Khánh cũng đồng ý điều chuyển khẩu súng này từ Phòng Hậu cần sang Phòng cảnh sát giao thông quản lý.
Dù súng rulo không có giấy phép sử dụng, thiếu tướng Khánh đã về hưu, Phước không giao nộp cho đơn vị mà tiếp tục giữ dẫn đến việc dùng khẩu súng này gây án.
Việc vi phạm pháp luật của Nguyễn Tấn Phước cũng là một phần nguyên nhân khiến Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an Đồng Nai bị mất chức và một số Phó giám đốc, trưởng, phó phòng Công an Đồng Nai phải chịu trách nhiệm.