Thảo luận tại tổ tình hình kinh tế – xã hội tại kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa XIV, bày tỏ về phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và hai bị cáo trong vụ tai biến chạy thận đang gây nóng dư luận, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) cho rằng, phải tạo ra hàng lang pháp lý, cơ chế để bảo vệ cho người nhân viên y tế.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan. |
“Hiện tại nhân viên y tế rất thiệt thòi và nếu như theo dõi vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương mấy ngày nay, bản thân chúng tôi cũng rất đau lòng và rất hoang mang. Bởi ngay việc xác định đúng người đúng tội, tại sao chúng ta lại đổ hết cho một bác sĩ trực tiếp lo cứu chữa cho bệnh nhân. Trong khi bác sĩ đó làm sao biết được chất lượng nước này như thế nào", ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Đại biểu Lan đặt câu hỏi: "Nếu có tiêu cực để sử dụng nước đó, thiết bị đó, thì ai là người hưởng lợi, đâu phải là bác sĩ ở tận dưới khoa làm việc này đâu. Nếu tiêu cực có xảy ra, có bắt tay chuyện này chuyện kia thì phải cấp từ lãnh đạo khoa trở lên, lãnh đạo bệnh viện, giám đốc công ty trang thiết bị?"
Theo đại biểu Lan, qua đó cho thấy, chúng ta thiếu hệ thống pháp lý để bảo vệ bác sĩ. Nhiều nước họ đã làm rồi. Trong nghề y, bác sĩ nào cũng muốn cứu chữa bệnh nhân mình khỏi, thoát chết nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, đôi khi có chuyện ngoài y muốn xảy ra. Người bác sĩ chỉ tập trung làm chuyên môn, khi sơ xảy thì lại không có bảo vệ của ngành, không có sự bảo vệ của lực lượng pháp luật chuyên nghiệp thì không được.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, trong vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương, cá nhân bà chưa thấy rõ vai trò của Bộ Y tế đứng ra bảo vệ bác sĩ mà mới thấy ý kiến của các Hội, ngành.
Nói về việc, khi phiên tòa xét xử mà ông Trương Quý Dương – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình dù được triệu tập nhưng đi nước ngoài, ủy quyền người đại diện đến là không hợp lý.
"Nếu tôi là ông Trương Quý Dương tôi sẽ không đi đâu mà đứng ra chịu trách nhiệm cho bác sĩ Hoàng Công Lương và nhân viên của mình", bà Lan cho biết.