Trong đợt xét tuyển đại học bổ sung lần này, thí sinh cần lựa chọn nguyện vọng thông minh để không bỏ lỡ cơ hội vào đại học.
Hai phương thức xét tuyển chính: Học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT
Thí sinh dự xét tuyển vào Học viện Tài chính. Ảnh: Hải Nguyễn |
Tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông tin về kế hoạch tuyển sinh bổ sung đợt 2 cho những thí sinh chưa trúng tuyển đại học trong đợt 1. Theo đó, các trường đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét bằng học bạ, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT...
TS Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính - nhận định, hiện tại có nhiều em 25, 26 điểm chưa trúng tuyển nguyện vọng nào do đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng chỉ tập trung chủ yếu tại 1 số trường top trên, không có nguyện vọng dự phòng.
“Với các thí sinh chưa trúng tuyển, dù đang sốt ruột nhưng các em vẫn phải bình tĩnh để tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin tuyển sinh đợt bổ sung của các trường cũng như các chương trình liên kết. Thêm vào đó, nhiều em đã đỗ hình thức xét tuyển bằng học bạ, nhưng lại đợi đến khi có điểm thi nên nhiều trường đã thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2. Trong đó, có nhiều ngành/ trường tốt mà các em có thể tham khảo thêm và đăng ký xét tuyển”.
Dành lời khuyên cho những thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung, PGS.TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí Đại học Giao thông Vận tải - cho rằng, các em cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng xem trường nào xét tuyển bổ sung và xét tuyển bằng phương thức nào, chỉ tiêu là bao nhiêu.
Chọn ngành có điểm chuẩn lần 1 thấp hơn số điểm mình đang có
“Về nguyên tắc tuyển sinh, các trường xét tuyển bổ sung đợt 2, điểm chuẩn trúng tuyển không được thấp hơn điểm đợt 1. Đây là chi tiết quan trọng mà nhiều thí sinh có thể không để ý đến. Bởi vậy, những bạn có ý định đăng ký xét tuyển đợt bổ sung bắt buộc phải lựa chọn ngành có điểm chuẩn lần 1 thấp hơn số điểm mình đang có” - PGS.TS Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Trưởng phòng Khảo thí Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển không giới hạn nhưng vẫn phải tuân theo chiến thuật 3 khu vực: 1 khu vực điểm trong khoảng điểm thi của thí sinh, 1 khu vực điểm thấp hơn và 1 khu vực thật sự an toàn để chắc chắn trúng tuyển.
“Thực tế, rất nhiều thí sinh, dù đạt 28, 29 điểm nhưng chủ quan, đăng ký tất cả các nguyện vọng vào những ngành/ trường ngang hàng và sát với điểm thi dẫn đến tình trạng không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào. Do đó, khi đăng ký xét tuyển bổ sung, các em cần đặc biệt ghi nhớ, đăng ký theo nguyện vọng từ cao xuống thấp, tạo độ dốc và điểm dừng an toàn cho mình.
Bên cạnh đó, với những trường đại học xét tuyển bổ sung theo 2 phương thức xét học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh nên chọn cả 2 phương án để đảm bảo an toàn vì 2 phương thức này hoàn toàn độc lập với nhau”.
Một vài trường hợp thí sinh điểm cao trúng tuyển vào nguyện vọng không mong muốn, có ý định từ chối nhập học và đợi chờ những ngành/trường khác mở đợt đăng ký xét tuyển bổ sung.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòa cho hay, việc đợi chờ cực kỳ mạo hiểm bởi chưa chắc những ngành/ trường đó đã mở đợt đăng ký bổ sung.
“Nếu có ý định đợi thêm các cơ hội, các em cần có động thái liên lạc qua số điện thoại, email đến ban tuyển sinh để biết nhà trường có kế hoạch tuyển sinh đợt bổ sung hay không. Đơn cử như Trường Đại học Giao thông Vận tải, chúng tôi luôn trả lời thẳng thắn với thí sinh rằng nhà trường không có kế hoạch tuyển sinh đợt bổ sung để các em không hy vọng và chờ đợi mà bỏ lỡ cơ hội của mình” - PGS.TS Nguyễn Thị Hòa cho biết.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%/tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Có 130 thí sinh có điểm từ 29,5 trở lên đăng ký vào các trường công an, quân đội, một số trường có điểm chuẩn từ 29,5 trở lên và đã trượt nguyện vọng 1. Trong số những thí sinh này, có 69 thí sinh may mắn đỗ vào nguyện vọng khác, còn 61 thí sinh không đỗ bất cứ nguyện vọng nào.