Nơi đây sẽ được dùng để sản xuất loại pin lithium iron phosphate (LFP), vốn được cho là bền bỉ hơn, sạc nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn so với pin lithium-ion phổ biến hiện tại.
Hãng xe Mỹ sẽ phối hợp cùng với công ty Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL) của Trung Quốc trong dự án phát triển pin LFP cho xe điện Ford này, trong đó Ford chịu trách nhiệm vận hành hoàn toàn nhà máy thông qua công ty con, còn CATL cung cấp “kiến thức và dịch vụ”. Nhà máy dự kiến sẽ tạo ra 2.500 việc làm cho khu vực và dự kiến bắt đầu hoạt động sản xuất vào năm 2026.
Xe ôtô điện Ford chạy pin LFP sẽ sạc nhanh và giá rẻ hơn. |
Hầu hết xe điện ngày nay đều sử dụng pin lithium-ion có cực âm làm từ hóa chất niken coban mangan (NCM). Tuy nhiên, NCM có nhiều vấn đề như quá trình khai thác coban không an toàn, tác động tiêu cực lên lực lượng lao động và gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại, pin LFP được hứa hẹn là bền hơn, dễ dàng sản xuất hơn và đặc biệt là rẻ hơn. Ford tuyên bố họ là hãng xe đầu tiên cam kết phát triển đồng thời 2 loại hóa chất pin riêng biệt cho xe điện là LFP và NCM.
Lisa Drake, một quan chức lãnh đạo giữ vai trò quan trọng trong bộ phận Ford model e chuyên phát triển xe điện, cho biết: “Chúng rất bền, sạc nhanh bằng điện DC thoải mái và vẫn sẽ hoạt động tốt ngay cả khi sạc từ mức 0-100% thường xuyên. Bạn có thể lái xe cạn pin và sau đó dùng sạc nhanh trở lại mà không cần lo nghĩ gì nhiều.”
Tuy nhiên, bà Drake cũng nhấn mạnh rằng quyết định đầu tư phát triển pin LFP của Ford chủ yếu là để cắt giảm chi phí. “Dự án này của chúng tôi nhằm tạo ra một trong những loại pin rẻ nhất tại Mỹ sau khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2026.”
Ford tuyên bố họ là hãng xe đầu tiên cam kết phát triển đồng thời 2 loại hóa chất pin riêng biệt cho xe điện là LFP và NCM. |
Ford sẽ chi khoảng 50 tỷ USD cho kế hoạch điện khí hóa danh mục sản phẩm để đến cuối năm 2023 sẽ có đủ nguồn cung cấp pin hỗ trợ sản xuất 600.000 chiếc xe điện, trong đó bao gồm 270.000 chiếc Mustang Mach-E, 150.000 xe vận tải E-Transit, 150.000 chiếc bán tải F-150 Lightning và 30.000 chiếc SUV hạng trung. Cuối năm 2026, tổng số xe điện Ford trên toàn cầu dự kiến đạt 2 triệu chiếc.
Nhà máy tại Michigan thực chất là dự án sản xuất quy mô lớn thứ 2 liên quan đến xe điện được Ford công bố trong những năm gần đây. Trước đó, công ty này từng chi 11,4 tỷ USD cùng với SK Innovation, một nhà sản xuất pin của Hàn Quốc, xây dựng loạt nhà máy khổng lồ ở các bang Tennessee và Kentucky để lắp ráp các loại xe tải và SUV chạy điện.
Trong đó, nhà máy BlueOval City có tổng số vốn đầu tư ban đầu đạt 5,6 tỷ USD, tọa lạc tại thị trấn Stanton, hạt Haywood, bang Tennessee, Mỹ. Nơi đây sẽ đảm nhiệm việc sản xuất một mẫu xe tải thuần điện cũng như hệ thống pin tiên tiến cho các mẫu xe Ford và Lincoln trong tương lai. Nhà máy còn lại là BlueOvalSK Battery Park sẽ được xây dựng tại bang Kentucky với tổng số vốn đầu tư ban đầu đạt 5,8 tỷ USD. Dự kiến khai trương vào năm 2025, đây là nơi sẽ sản xuất hệ thống pin cho các nhà máy Ford trên khắp nước Mỹ.
Nhà máy tại Michigan thực chất là dự án sản xuất quy mô lớn thứ 2 liên quan đến xe điện được Ford công bố trong những năm gần đây. |
Các dự án nhà máy sản xuất xe điện và pin xe điện được Ford liên tiếp công bố, như một động thái hưởng ứng sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tung ra các khoản tín dụng thuế và các ưu đãi trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Bằng cách tự sản xuất pin tại Mỹ, Ford cho biết họ sẽ đảm bảo các mẫu xe điện của mình đủ điều kiện nhận khoản tín dụng thuế EV liên bang trị giá 7.500 USD của IRA, qua đó cung cấp cho khách hàng những mẫu xe có giá bán phải chăng hơn các đối thủ.