Giá xăng liên tiếp giảm trong vòng 1 tháng qua . (Ảnh minh họa) |
Kinh doanh phải có đạo đức
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM lý giải, tình trạng giá xăng giảm sâu nhưng giá các loại hàng hóa, sản phẩm vẫn không chịu giảm theo giảm.
Giám đốc Sở Công thương cho rằng, trong cơ cấu giá cả hàng hóa, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng không lớn. Việc giảm giá xăng dầu chỉ là điều kiện để điều chỉnh giá cả hàng hóa. Trong khi đó, nhiều hàng hóa đầu vào khác (như thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu...) đều tăng mạnh trong hai năm qua đã ảnh hưởng đến việc tăng giá chung. Do đó, để giữ ổn định thị trường thì các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh nhằm tiết giảm chi phí giá thành.
Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trước hết, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, đồng tình với quan điểm độ trễ, nhưng ông cho rằng cũng có một số nguyên nhân khác khiên tình trạng giá xăng giảm mà giá hàng hóa không giảm. Bởi, giả sử doanh nghiệp giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.
“Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đến nay giảm giá xăng dầu khá mạnh, nhưng tình hình trên thị trường, giá cả đứng yên hoặc chỉ giảm đôi chút, thậm chí có mặt hàng còn lên. Vấn đề giá hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình. Các doanh nghiệp không nên làm ăn chộp giật", ông Phú nhấn mạnh
Giá xăng giảm nhưng hàng hóa không chịu giảm giá. (Ảnh minh hoạ) |
Tổng kiểm tra chuyên đề có khiến giá tiêu dùng "mềm" theo giá xăng?
Về vấn đề này, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công điện nêu thực trạng những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năn 2022.
Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của giá cả thị trường hàng hoá nói chung và hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân nói riêng, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cùng phối hợp chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng quản lý thị trường triển khai kịp thời có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kịp thời.